Giảm nghèo đa chiều

Trước hết phải nâng cao nhận thức

08:25 - Thứ Hai, 17/10/2016 Lượt xem: 4545 In bài viết
ĐBP - Theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí hộ nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều, ngoài yếu tố thu nhập còn tính tới sự thiếu hụt trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. 

Huyện Tủa Chùa là 1 trong 64 huyện nghèo trong toàn quốc (theo Nghị quyết 30a), với những khó khăn đặc thù của địa bàn, theo phương pháp tiếp cận nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 51,58% năm 2014 tăng lên 69,67% (tăng 18,09%); đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện. Và để công tác này được triển khai hiệu quả, cần nâng cao nhận thức về giảm nghèo đa chiều cho lực lượng cán bộ, nhất là đội ngũ ở cơ sở. 

 
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhận thức còn hạn chế nên người dân vùng cao vẫn sử dụng phương thức sản xuất lạc hậu. Trong ảnh: Người dân bản Là Xa, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa thu hoạch vụ mùa.

Ông Nguyễn Duy Hiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo bằng phương pháp tiếp cận đa chiều, trong tổng số 10.257 hộ (9.499 hộ dân tộc thiểu số, chiếm gần 92,7%) trên toàn huyện, có 7.146 hộ, 37.616 khẩu thuộc diện nghèo (69,67%) và 798 hộ, 4.351 khẩu cận nghèo (7,8%). Trong đó, địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã Xá Nhè với 85%; thấp nhất là thị trấn Tủa Chùa 14,7%; sự chênh lệch lên đến trên 70% này cho thấy khoảng cách về đời sống vật chất, sự thiếu hụt trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản tại các vùng miền trên địa bàn huyện là rất lớn, nhất là vùng cao, vùng sâu với khu vực trung tâm. Vì vậy, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xác định sẽ khó khăn hơn so với giai đoạn trước đây. Qua điều tra, phân tích của ngành chức năng cho thấy, sự thiếu hụt các chỉ số cơ bản của hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện tập trung vào các chỉ số: thiếu hụt về diện tích nhà ở; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin... Đây là điều dễ hiểu, bởi một phần do phong tục tập quán của bà con vùng cao chưa chú trọng đến các yếu tố này, đồng thời cơ sở hạ tầng, vật chất ở vùng cao hiện nay còn nhiều khó khăn, chưa được đầu tư đồng bộ.  

Phương pháp tiếp cận, thống kê, tiến tới giảm nghèo đa chiều là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn của Nhà nước khi bằng phương pháp này, người nghèo sẽ được quan tâm, hỗ trợ xóa nghèo một cách toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo trên địa bàn, đơn vị chuyên môn cũng gặp phải những bất cập như: Theo mẫu phiếu các chỉ tiêu nhận dạng nhanh dành cho những hộ có nguy cơ nghèo, cận nghèo (phiếu A, test nhanh), có 9 mục để nhận dạng nhanh; khi tham gia, nếu hộ nào đáp ứng được từ 3 mục trở lên sẽ được đưa khỏi danh sách rà soát (bỏ điều tra). Vướng mắc xuất hiện khi trong 9 mục của test nhanh, không có mục nào ghi về tài sản là đại gia súc (trâu, bò), trong khi, đa phần tài sản chủ yếu của bà con vùng cao là đại gia súc. Vì vậy, có những hộ dù biết chắc chắn không thuộc diện nghèo (do gia đình có hàng chục con trâu, bò có tổng giá trị từ vài trăm triệu đồng) nhưng vẫn phải đưa vào danh sách rà soát tiếp theo (phiếu B, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn) gây mất thời gian, công sức cho cán bộ đi rà soát, thống kê. Trước tình hình này, tỉnh đã đề nghị thay mục số 9 “có ít nhất 1 người đang làm việc tốt nghiệp cao đẳng trở lên” bằng thống kê số trâu, bò nhưng đây là mục đã thống nhất trên cả nước nên chưa được Trung ương chấp thuận. Ngoài ra, sau khi được xem xét, đánh giá ở mẫu B, nếu hộ nào thuộc diện “chông chênh” giữa mức nghèo - cận nghèo, cận nghèo - thoát nghèo sẽ được đưa ra cuộc họp thôn bản để bình xét khách quan.

Hiện nay, tình trạng “giấu tài sản để duy trì nghèo” - vấn đề vốn tồn tại trước đây hiện cũng được giải quyết bằng cách họp thôn, bản để đánh giá. Và thực tế qua đợt rà soát vừa qua cho thấy: hiếm có hộ nào che giấu được tài sản khi được chính những người trong cộng đồng, hàng xóm bình xét. Có thêm một điểm mới trong chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là khi một hộ đã thoát nghèo nhưng trong năm gặp thiên tai, tai nạn hoặc biến cố, rủi do dẫn đến hao hụt các lĩnh vực tài sản, điều kiện sinh hoạt… có thể làm đơn gửi chính quyền địa phương để được xác định, xem xét bổ sung hỗ trợ hộ nghèo mà không cần phải chờ đợi đến đợt rà soát cuối năm. Điều này góp phần đưa chính sách đến người dân một cách kịp thời, thiết thực hơn.

Rà soát, tiếp cận, thống kê hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ban đầu tưởng như phức tạp nhưng khi thực hiện mới thấy được những ưu việt của chính sách mới, việc thực hiện cũng trở nên dễ dàng hơn khi được triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp trên đến cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít cán bộ, người dân chưa nhận thức đầy đủ về chuẩn nghèo mới, vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trước hết cho đội ngũ cán bộ cơ sở là điều rất cần thiết. Từ đó, với những tiếng nói, tham mưu thiết thực từ thực tiễn địa phương, các cấp, ngành chức năng sẽ xây dựng kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trong giai đoạn tới đảm bảo chính xác, phù hợp.  

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top