Khi nguồn quỹ biết “đẻ”

09:17 - Thứ Năm, 05/12/2019 Lượt xem: 10952 In bài viết

ĐBP - Khó khăn về kinh phí hoạt động là tình trạng chung của hầu hết các tổ chức cơ sở đoàn, nhất là khu vực nông thôn, vùng khó. Thay vì dựa vào cơ chế xin - cho, với sức trẻ, nhiệt huyết và sự nhạy bén, những đoàn viên, thanh niên Chi đoàn bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ đã sáng tạo ra một cách làm độc đáo, hiệu quả, và đặc biệt là gắn liền với thực tiễn địa phương. Giờ đây, họ không chỉ xây dựng và quản lý thành công nguồn quỹ dồi dào phục vụ đa dạng các hoạt động tổ chức, mà nguồn quỹ đó còn biết “đẻ” và tạo dựng ra nhiều giá trị thiết thực.

Hiện nay Chi đoàn bản Sín Chải, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) đang quản lý nguồn quỹ với 3 con trâu và 2.000m2 ao cá.

Làm thuê gây quỹ

Nguyên là Bí thư Chi đoàn của bản Sín Chải 1 từ nhiều năm trước nên anh Tẩn Diếu Sân là người hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn của hoạt động đoàn tại địa phương mình. Từ những ngày đầu thành lập tổ chức đoàn của bản, chỉ có vài đoàn viên, đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đoàn ở bản nhiều năm gần như không có tiếng nói, vai trò gì ở địa phương. Việc tập hợp thanh niên cũng gặp không ít vướng mắc, do ai cũng khó khăn, ai cũng mải lo kinh tế gia đình.

“Ðoàn muốn hoạt động phải có kinh phí, mà chờ trên cấp thì không thể đủ để triển khai. Việc huy động anh em đóng góp thì gần như là không thể, bởi hầu hết đoàn viên đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tôi nghĩ nhiều, ai cũng khó về kinh tế thì đúng rồi, nhưng thanh niên rõ ràng là có sẵn sức khỏe, vậy thì đóng góp sức khỏe thôi. Mà để biến sức khỏe thành tiền thì ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến việc đi làm thuê” - anh Sân tâm sự.  

Vì những lý lẽ đưa ra vừa hợp tình, hợp lý, lại phân chia thời gian, công việc phù hợp với điều kiện của mỗi đoàn viên thanh niên nên ai nấy đều ủng hộ. Anh em luân phiên đóng góp công sức, thời gian của mình đi làm thuê để đổi lấy tiền tạo quỹ. Hễ nhà nào trong bản có việc cần thuê là tổ chức đoàn đứng ra nhận và huy động anh em đoàn viên đi làm, từ việc xẻ gỗ, dựng nhà, đào ao, đến làm ruộng, nương… Ban đầu là những hộ người quen thuê, rồi khi thấy được ý nghĩa của hoạt động, mọi nhà trong bản, thậm chí các bản lân cận hễ có việc đều gọi đến tổ chức đoàn. Sau một thời gian duy trì hoạt động, Chi đoàn bản Sín Chải 1 đã tạo dựng được một nguồn quỹ độc lập, phục vụ mọi hoạt động của tổ chức đoàn ở cơ sở mà cấp trên yêu cầu, như: Hưởng ứng các phong trào, phần việc thanh niên, tổ chức các chương trình lễ phát động, sinh hoạt hè, các hoạt động thể thao, văn nghê; thăm hỏi gia đình đoàn viên ốm đau, ma chay, hiếu hỷ, chăm lo đời sống cho thanh, thiếu nhi…

Khi quỹ biết “đẻ”

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực chăn nuôi của chi đoàn mình, anh Lý Lao Ú, hiện là Bí thư Chi đoàn bản Sín Chải 1 không khỏi tự hào: “Toàn bộ khu vực chăn nuôi rộng cả héc ta này trước kia là đất nương bỏ không của bà con, chúng tôi xin về rồi khai hoang, cải tạo đi thành khu chăn nuôi. Toàn bộ chỗ này, gồm 3 con trâu, gần 2.000m2 ao thả cá, ruộng lúa nước… là tài sản chung của gần 40 đoàn viên trong bản. Mô hình tuy chưa lớn, nhưng là của tập thể, do tập thể tạo dựng nên ai nấy đều có trách nhiệm”.

Anh Ú tâm sự rằng, từ những ngày đầu đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn bản Sín Chải 1 do anh Tẩn Diếu Sân bàn giao lại, anh đã rất trăn trở. Cầm trong tay nguồn quỹ và phong trào gây quỹ mà tổ chức đoàn thế hệ đi trước đang duy trì khá tốt, nhưng anh không muốn chỉ dừng lại ở đó, mà bắt đầu nghĩ cách làm sao để có tích lũy nhiều hơn. Trên cơ sở đó hỗ trợ nhiều hơn cho mỗi đoàn viên của mình vươn lên, vượt qua hoàn cảnh. Ðiều đầu tiên nảy ra trong đầu anh, đó là đầu tư sản xuất để bản thân nguồn quỹ có thể tự sinh lời.

“Ðồng tiền nằm im là đồng tiền dại, đồng tiền sinh lãi là đồng tiền khôn” - lý lẽ đó tưởng là chỉ những nhà kinh doanh lớn mới nhắc đến, nhưng lại đang được chính những thanh niên vùng khó Sín Chải 1 hiện thực hóa cho nguồn quỹ của mình. Giữa lúc chăn nuôi dê đang có triển vọng ở nhiều địa phương, chi đoàn đã quyết định đầu tư 3 con dê để “khởi nghiệp”. Sau khi bán lứa đầu tiên, có thêm nguồn vốn, chi đoàn tiếp tục đầu tư mở rộng, có thời điểm đàn dê lên đến gần 20 con. Sau một thời gian, nhận thấy giá trị kinh tế của dê không cao, cộng thêm với việc nguồn quỹ đã dồi dào hơn, năm 2016 chi đoàn quyết định đầu tư mua trâu sinh sản. Rồi tận dụng những mảnh nương bỏ không của người dân, chi đoàn huy động thanh niên, đầu tư đào ao thả cá thương phẩm. Nhờ biết bảo ban nhau, chịu khó lao động, bình quân mỗi vụ, đoàn có thêm gần 10 triệu đồng cho quỹ.

Với nguồn quỹ dồi dào, các hoạt động phong trào, bề nổi của đoàn được phát huy và đẩy mạnh hơn. Bên cạnh đó, Sín Chải 1 còn được đánh giá là một trong những chi đoàn hưởng ứng nhiệt tình nhất phong trào thanh niên phát triển kinh tế ở Nậm Pồ. Từ một chi đoàn nhiều đoàn viên thuộc diện nghèo, đói; giờ đây đa phần đều đã có cuộc sống cơ bản ổn định. Không những vậy, nguồn quỹ còn hỗ trợ cho vay không lãi suất, giúp đỡ 4 gia đình đoàn viên nghèo phát triển sản xuất, vươn lên với mức thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 50 triệu đồng/hộ.

Khi được hỏi về những mong muốn trong tương lai của chi đoàn, khác với câu trả lời chúng tôi thường được nghe, Bí thư Chi đoàn Lý Lao Ú trải lòng: Cũng giống như con trâu, con cá chúng tôi nuôi, nguồn quỹ cũng biết “đẻ”. Nhưng tôi tham vọng hơn thế nữa, là tương lai nó sẽ trở thành “ngân hàng không lãi suất” cho toàn bộ anh em đoàn viên chi đoàn. Mà muốn làm được thế thì tôi mong có một nơi nào đó sẵn sàng đứng ra cho chi đoàn vay vốn và hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, để đầu tư sản xuất một cách quy mô và nghiêm túc hơn, từ đó mang về những giá trị lớn hơn cho đoàn viên của mình.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top