Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế

09:26 - Thứ Sáu, 23/10/2020 Lượt xem: 5508 In bài viết

ĐBP - Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh chỉ đạo thực hiện. Kết quả đạt được không những góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, mà còn làm thay đổi tư duy của người nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Anh Lò Văn Pâng (bên trái), xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) kiểm tra cây mắc ca. Ảnh: Hoàng Lâm

Anh Lò Văn Pâng, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) được mọi người gọi là “tỷ phú chân đất” bởi anh là một trong những nông dân dám nghĩ, dám làm với cách phát triển kinh tế của riêng mình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Pâng cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều gia đình nông dân khác trong xã làm không đủ ăn do thiếu đất ruộng trồng lúa, người dân chủ yếu sống dựa vào cây ngô, cây sắn. Nhận thấy nếu cứ trồng cây ngô, cây sắn theo cách cũ thì không thể thoát nghèo được. Hơn nữa, trên địa bàn xã có đất đồi núi còn bỏ hoang nhiều, không chịu khuất phục với cái đói, cái nghèo, tôi bắt đầu tìm hiểu về khí hậu và thổ nhưỡng nơi tôi ở, thấy rằng thời tiết và đất đai ở đây rất thích hợp với trồng cây dong riềng và tôi đã bắt đầu khởi nghiệp từ cây dong riềng”. Sau nhiều năm từ cây dong riềng, có chút vốn liếng và được đi tham quan nhiều mô hình đầu tư làm kinh tế cho hiệu quả cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh tiếp tục đầu tư trồng 30ha cây mắc ca. Sau gần 7 năm trồng, đến nay 20ha mắc ca trồng năm đầu đã cho thu hoạch. Năng suất dù chưa được cao, nhưng theo anh Pâng thì so với trồng ngô, lúa thì mắc ca cho thu nhập cao hơn gấp vài chục lần. Ðể có vườn mắc ca xanh tốt như ngày hôm nay, anh đã tự đầu tư vài tỷ đồng, cất công xuống Viện Cây nông nghiệp Việt Nam, nhờ các kỹ sư tư vấn cách trồng cây. Thậm chí, anh còn mang mẫu đất xuống để kiểm tra xem đất thiếu các loại vi khoáng, chất như thế nào để được tư vấn cách bón phân sao hiệu quả nhất để cây mắc ca phát triển tốt, cho quả sai. Với cách suy nghĩ, cách làm riêng của mình, anh Pâng đã mang đến bước đột phá về kinh tế không chỉ cho riêng gia đình mà cho hàng nghìn hộ dân. Từ cách làm hay, hiệu quả, đến nay, sau 12 năm tập trung cho sản xuất, kinh doanh, ngoài trồng dong riềng và mắc ca, tận dụng lợi thế đất đồi anh còn trồng cà phê, cây ăn quả và đào ao thả cá. Ðến nay gia đình anh có 5ha cây dong riềng mỗi năm cho thu hoạch 200 tấn củ, 5ha cây cà phê mỗi năm cho thu hoạch 7 tấn hạt cà phê chấu, 3ha cây ăn quả (bưởi, đào, cam)... Trung bình mỗi năm anh thu nhập trên 2 tỷ đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Còn với anh Vừ A Trống, bản Khó Bua, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo), trong những năm gần đây thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Gia đình anh được cán bộ xã, bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các loại cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào gieo trồng và phát triển nhân rộng. Trước đây, gia đình anh Trống có 3ha đất nương chủ yếu trồng ngô và chăn thả gia súc, thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Năm 2015, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000m2 đất nương sang trồng cây dứa. Nhờ chăm sóc đầu tư đúng kỹ thuật nên năng suất cao, dứa cho quả to, thơm, ngon ngọt, ngay vụ đầu tiên trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 40 triệu đồng tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa nương và đậu tương. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây dứa cho thu nhập cao, thời gian chăm sóc cũng không vất vả như trồng ngô nên anh tiếp tục chuyển hơn 1ha đất nương kém hiệu quả sang trồng dứa. Năm 2016, anh chuyển tiếp 5.000m2 đất sang trồng cây mía. Hàng năm, sau khi trừ chi phí gia đình đã thu được từ 100 - 150 triệu đồng. Anh Trống cho biết: “Ðược cán bộ, xã bản tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng những cây có năng suất cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng dứa và mía. Ðến nay, khi nguồn thu từ những cây trồng đó đã ổn định, tôi nhận thấy rằng, hướng đi của mình là đúng. Hơn nữa, bản thân tôi đã thay đổi tư duy sản xuất, vượt qua được tập quán canh tác lạc hậu, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất cao. Hiện nay, để tăng thu nhập tôi đã đăng ký trồng thêm 1ha các cây ăn quả các loại, như: Xoài, nhãn chín muộn, bưởi da xanh”.

Gia đình anh Lò Văn Pâng, anh Vừ A Trống chỉ là 2 trong số rất nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương. Từ đó, có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất. Ðồng thời, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tạo động lực thực hiện thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nguồn lực giúp hội viên nông dân phát triển cây hàng hóa trên cơ sở định hướng vùng, tránh tình trạng nhân rộng một cách ồ ạt...

Trần Ngọc Hải (Trường Chính trị tỉnh)
Bình luận
Back To Top