Phát huy vai trò tủ sách pháp luật tại cơ sở

11:01 - Chủ Nhật, 08/08/2021 Lượt xem: 3035 In bài viết

ĐBP - Xác định tủ sách pháp luật (TSPL) là kênh thông tin quan trọng và là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Những năm qua, huyện Mường Chà luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng hệ thống TSPL ở cơ sở, giúp cho cán bộ và người dân, học sinh tiếp cận với pháp luật thuận lợi hơn. Từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân trên địa bàn.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà) đọc, tìm hiểu sách, báo, truyện tranh tại thư viện của trường (ảnh chụp trước tháng 4/2021).

Trong những năm qua, các đơn vị, phòng ban, trường học, các địa phương trên địa bàn huyện đã quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng và duy trì tủ sách pháp luật. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của tủ sách pháp luật trong công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Chú trọng bổ sung các sách, tài liệu mới, có nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, nhân dân.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 thư viện huyện, 12 tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn và 26 thư viện trường học. Các TSPL đã có ý nghĩa rất lớn cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại các xã, phường, thị trấn. Cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ cho bộ máy chính quyền cấp xã (các tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể) nghiên cứu áp dụng vào hoạt động quản lý xã hội, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống, giảm bớt sự lúng túng hoặc tùy tiện trong thi hành công vụ do thiếu hiểu biết pháp luật. Với nguồn thông tin, tài liệu quan trọng từ các TSPL, cán bộ, các tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở đã khai thác có hiệu quả, đưa pháp luật đến với người dân bằng nhiều kênh khác nhau. Ngoài ra, tủ sách pháp luật cũng chính là nơi để mọi người dân địa phương đến tìm hiểu, tra cứu thông tin pháp luật khi có nhu cầu; khuyến khích tinh thần tự phát huy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trường Tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà) đã phát huy tốt vai trò của tủ sách pháp luật tại cơ sở. Cô Ngô Thanh Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường có 1 thư viện với 2.693 đầu sách (474 bản sách tham khảo; 268 bản sách pháp luật; 285 bản sách văn học; 597 bản truyện tranh các loại...). Để khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh thường xuyên đọc sách, trường đã bố trí vị trí đọc sách, các tủ sách linh hoạt trong thư viện, nhà đa năng, thư viện lớp; sân trường (thư viện xanh), nhà ở bán trú của học sinh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thuyết minh giới thiệu sách theo chủ đề; tổ chức ngày hội đọc sách. Nhờ đó, 100% cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia đọc sách tại thư viện, tủ sách của trường, trung bình khoảng 275 lượt người đọc/tuần.  Qua đó, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh của trường được tiếp cận với nhiều loại sách báo, tìm được niềm vui trong đọc sách, hình thành thói quen đọc sách bổ ích để mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn. Đọc sách góp phần giáo dục kĩ năng sống, chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho các em vững bước vào đời. Giúp các em có ý thức chung tay xây dựng thư viện thân thiện, phát  triển văn hóa đọc trong mỗi học sinh và trong cộng đồng với thông điệp: “Hãy tích cực đọc sách để mở mang tri thức và rèn luyện nhân cách”.

Bà Lò Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Chà cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai tủ sách pháp luật trên địa bàn huyện đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nguồn kinh phí đầu tư thường xuyên hàng năm dành cho tủ sách pháp luật ở cơ sở còn hạn chế. Do không có khả năng bố trí được người chuyên quản tủ sách pháp luật như một thủ thư tại các thư viện, nên vị trí đặt tủ sách pháp luật mỗi nơi mỗi khác, phổ biến nhất là đặt tại phòng làm việc của công chức tư pháp - hộ tịch để công chức này kiêm nhiệm thủ thư. Cách bố trí này đã làm cho người dân ngại đến tìm đọc sách, báo, tài liệu pháp luật trong giờ hành chính, còn ngoài giờ hành chính thì tủ sách không có ai phục vụ. Tỷ lệ người dân tìm đến với tủ sách pháp luật hàng năm tại các xã rất ít, có xã mỗi năm chỉ có vài ba trường hợp. Văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, thông tư…) được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hàng năm khá nhiều làm cho việc cập nhật thay thế kịp thời ở cấp xã gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm đọc của người dân khi cần đến…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top