"Lạm phát" kỷ lục!

10:29 - Thứ Ba, 21/03/2017 Lượt xem: 3221 In bài viết
Trong bốn năm qua ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có 425 kỷ lục được xác lập và ghi nhận, trong đó có kỷ lục rất ít người biết đến, thậm chí bị phê phán gay gắt. Liệu các kỷ lục đó thật sự xứng đáng, cần thiết và có tác động tích cực tới cộng đồng?

Vừa qua, sự kiện một cụ ông gần 90 tuổi ở TP Hội An (Quảng Nam) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam (Vietkings) vinh danh là “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại một số diễn đàn mạng xã hội, không ít ý kiến bày tỏ thái độ ngạc nhiên, thậm chí rất bất bình. Trước ý kiến phản ứng về kỷ lục, Chủ tịch Vietkings lý giải: Trao tặng để ghi nhận việc làm mà không phải ai cũng làm được như cụ ông ở Hội An, rồi hy vọng “ý chí và nghị lực sống của cụ sẽ truyền cho mọi người sức mạnh để sống, để làm việc, để vươn lên trong cuộc sống. Mọi nghề nghiệp nếu không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, tất cả đều đáng được tôn vinh, được trân trọng”. Không có gì sai khi cho rằng mọi nghề nghiệp chân chính, lương thiện đều đáng được trân trọng, tôn vinh, nhưng điều khiến dư luận băn khoăn là nếu thực hiện theo tinh thần này thì thời gian tới, Việt Nam có nguy cơ bị lạm phát kỷ lục hay không? Trả lời phỏng vấn của báo chí về “những tiêu chí xác lập kỷ lục của Vietkings là gì?”, “liệu trong tương lai có kỷ lục cho một người bán trà đá ở Hà Nội hay một người bán bánh tráng trộn lâu năm ở Sài Gòn?”, Tổng Giám đốc Vietkings cho biết: “Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập các kỷ lục đều có tiêu chí cụ thể, và hành trình tìm kiếm ý chí kỷ lục Việt Nam cũng vậy. Chúng tôi không loại trừ khả năng một người bán trà đá hay bán bánh tráng trộn được xác lập kỷ lục. Tất nhiên phải xem xét ở nhiều tiêu chí, chẳng hạn một chị bán trà đá một mình nuôi năm con nhỏ sẽ khác những người khác,…”.

Tiếp xúc với các lý giải nêu trên, có độc giả khôi hài nhận xét: Nếu kỷ lục Guinness (Ghi-nét) xác lập những cái kỷ lục xàm nhất thế giới, chắc Việt Nam giành ngôi quán quân!

Đây không phải lần đầu ở Việt Nam, một kỷ lục sau khi được xác lập đã gặp phải nhiều ý kiến chê trách, phản đối từ cộng đồng. Năm 2010, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước cái chai chứa 4.000 lít rượu được một công ty dâng cúng trong Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo đơn vị dâng rượu cúng thì đây “là cơ hội để quảng bá thương hiệu cho đất nước” và “hy vọng sẽ khích lệ được lòng tự tôn dân tộc luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam”! Như vậy, chẳng lẽ đơn vị này không cần biết đến các hậu quả nguy hại từ rượu? Thực tế đã chứng minh việc sử dụng nhiều rượu, bia là một nguồn cơn sinh ra các căn bệnh nguy hại liên quan sức khỏe con người. Rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông mỗi năm, nhất là xu hướng “trẻ hóa” độ tuổi uống bia rượu cũng là một vấn nạn xã hội rất cần được chấn chỉnh. Đến năm 2012, việc Ban tổ chức Hội Lim xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam với tư cách lễ hội có số người mặc trang phục quan họ, cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhiều nhất cũng vấp phải sự chê trách của dư luận. Không chỉ chai rượu “khủng”, lễ hội “khủng”, các năm qua, nhiều kỷ lục hoành tráng khác cũng thi nhau được lập ra như: bánh chưng khổng lồ, tô hủ tiếu khổng lồ, bánh xèo to nhất, xiên thịt nướng dài nhất, chiếc áo to nhất,... Tháng 1-2017, việc lập kỷ lục thác hoa tươi (lẫn cả hoa giả!) khổng lồ trị giá 500 triệu đồng tại Đồng Tháp gây lãng phí, tốn kém càng khiến dư luận bức xúc. Tình trạng nhiều kỷ lục thường gắn với một thương hiệu nào đó làm liên tưởng đến việc đây là cách thức để một số doanh nghiệp, công ty PR, quảng cáo, và bi hài là mỗi khi kỷ lục gặp phản ứng của dư luận là họ lại sử dụng truyền thống văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới để bao biện,...!

Thông tin giới thiệu trên trang mạng của Vietkings cho biết, tổ chức này ra đời theo Quyết định số 959/QĐ-BNV Bộ Nội vụ ngày 23-8-2013, và đến nay, Vietkings đã xác lập hơn 1.700 kỷ lục Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố. Đây quả là con số đáng kinh ngạc, bởi trong chưa đầy bốn năm kể từ ngày Vietkings thành lập, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 425 kỷ lục được xác lập, tương đương mỗi ngày hơn một kỷ lục ra đời, hoặc hơn 20 giờ đồng hồ lại có một kỷ lục được xác lập! Đó là chưa kể các kỷ lục “tự phát” được khởi xướng từ các lễ hội hoặc hoạt động văn hóa - xã hội tại một số địa phương. Tôn vinh những giá trị đích thực, đáp ứng được mong muốn của cộng đồng, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ là cần thiết; tuy nhiên, nếu tôn vinh kỷ lục mà xét đến cùng chỉ là chạy theo “bệnh hình thức”, để đánh bóng tên tuổi hay quảng bá tổ chức, cá nhân nào đó, hoặc chỉ thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ của một nhóm người thì phản ứng của cộng đồng là tất yếu.

Không chỉ gây tranh cãi về những kỷ lục được xác lập, các bất cập và tiêu cực phía sau tấm “bằng chứng nhận” cũng được dư luận quan tâm. Ngày 10-3, trên trang facebook cá nhân, nhiếp ảnh gia Thái Phiên viết cụ thể về chuyện của bản thân: “Cách đây chừng 5 năm, có một nhân viên của Vietkings liên hệ gặp tôi để viết bài giới thiệu và đưa cho tôi bốn mẫu tờ khai để tiến hành làm thủ tục Xác lập Kỷ lục Việt Nam với kỷ lục “Xuất bản sách ảnh khỏa thân nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam và công bố tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật nhiều nhất tại Việt Nam”. Sau khi phỏng vấn, anh ta đề nghị tôi chi năm triệu đồng (gọi là chi phí... gì gì đó). Tôi đứng dậy: “Anh về đi! Tôi không dư tiền để đánh bóng tên tuổi của mình, nếu Vietkings xác lập hoặc không xác lập kỷ lục này thì mọi người cũng đã biết cả rồi!”... Hôm nay, tình cờ thấy Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cấp chứng nhận cho cụ ông 90 tuổi: “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam”. Tự hỏi, không biết cụ lấy đâu ra chi phí để tiến hành làm thủ tục? Vả lại, xác lập kỷ lục là nhằm mục đích quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Vậy kỷ lục “gánh nước thuê” nhằm mục đích gì?”. Tìm hiểu Quy định thu phí và tài trợ phí xác lập kỷ lục Việt Nam của Vietkings (đã chỉnh sửa, bổ sung lần thứ 6, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) có thể thấy, để được xác lập kỷ lục, ngoài những trường hợp được miễn hoặc giảm phí (như kỷ lục được thực hiện nhằm phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng, phục vụ công tác từ thiện, được thực hiện bởi người khuyết tật mang tính ý chí kỷ lục,…), còn kỷ lục của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể, hiệp hội mang tính quảng bá hình ảnh, có yếu tố thương mại sẽ phải nộp phí từ 30 triệu đến 50 triệu đồng; kỷ lục của các tổ chức hành chính, tổ chức xã hội, đoàn thể, hiệp hội không mang tính thương mại, có mức phí từ năm triệu đến 20 triệu đồng; kỷ lục của các cá nhân mang yếu tố thương mại, quảng bá hình ảnh có mức phí là từ năm triệu đến 15 triệu đồng... Như vậy, việc đặt các kỷ lục được thực hiện để phục vụ lợi ích xã hội, hoạt động từ thiện, thể hiện ý chí của người khuyết tật,... bên cạnh các kỷ lục mang yếu tố thương mại, quảng bá hình ảnh của tổ chức, cá nhân nào đó khi họ nộp tiền, liệu có phải là hướng tới “mục đích quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến cộng đồng các quốc gia trên thế giới” như Vietkings tự giới thiệu?

Thiết nghĩ, câu hỏi lập kỷ lục để làm gì, đâu là kỷ lục cần quảng bá, đâu là kỷ lục không nên khuyến khích,... là các câu hỏi cần trả lời trước khi xác lập một kỷ lục nào đó. Trên thế giới cũng có một số kỷ lục được lập ra cho vui, có tính khôi hài, nhưng phần lớn kỷ lục được lập ra để chứng tỏ con người có thể vượt qua các khả năng tưởng như có giới hạn của trí tuệ, sức lực, thể hiện khát vọng lành mạnh về văn hóa, văn minh,... Vì thế, người lập kỷ lục được ghi nhận, tôn vinh, lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại lưu giữ như kỳ tích đáng ngưỡng mộ và cần truyền bá. Cũng vì thế, cần phải loại bỏ các kỷ lục tốn kém, vô bổ, thể hiện thói háo danh, không có ý nghĩa đối với xã hội...

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top