Y tếSức khỏe

Phòng bệnh sởi: Nghiên cứu hạ độ tuổi tiêm chủng

10:40 - Thứ Hai, 18/06/2018 Lượt xem: 6308 In bài viết
Bệnh sởi thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, vậy nhưng vào mùa hè năm nay, dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng. Qua theo dõi dịch tễ trên thế giới, thường thấy cứ 4 năm dịch sởi quay lại một lần. Vào năm 2014, tại miền Bắc đã xảy ra dịch sởi với quy mô rất lớn, cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ nhỏ. Do lo ngại dịch bệnh này quay trở lại, Bộ Y tế đã nghiên cứu để hạ độ tuổi tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ.

Người lớn không có “hàng rào” miễn dịch

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu như năm 2017 cả nước chỉ ghi nhận gần 300 ca mắc bệnh sởi thì chỉ tính hơn 5 tháng đầu năm 2018, tại 25/63 tỉnh, thành phố đã có 354 người mắc căn bệnh này. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, theo chu kỳ đã được ghi nhận thì năm nay chúng ta phải cảnh giác trước khả năng quay trở lại của dịch sởi, nhất là tại khu vực miền Bắc. Đây là bệnh có tính lây truyền rất mạnh, một người mắc bệnh sởi có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác, bệnh dễ bùng phát thành dịch.

 

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng, chống bệnh sởi hiệu quả nhất.

Hiện tại, Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca mắc sởi cao so với các tỉnh, thành phố khác. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nếu trong tháng 4 và đầu tháng 5-2018 trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2-6 ca bệnh sởi/tuần thì trong tuần đầu tháng 6-2018, con số này là 20 ca/tuần. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã có 148 trường hợp mắc sởi. Đáng lưu ý, trong số các trường hợp mắc sởi do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh sởi có thể gia tăng bởi trên thực tế, ngay sau khi ghi nhận các ca mắc sởi mới, Hà Nội và một số địa phương đã tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ nhỏ và tỷ lệ trẻ được tiêm ở mức rất cao. Dù vậy, sau khi Bộ Y tế họp, đánh giá tình hình miễn dịch trong cộng đồng đối với bệnh sởi, kết quả cho phép đưa ra nhận định rằng miễn dịch sởi ở trẻ em là có nhưng với người lớn thì không. 

PGS.TS Trần Như Dương cho biết thêm, thông thường thì trước 9 tháng tuổi, trẻ vẫn được bảo vệ nhờ có kháng thể từ nguồn sữa mẹ. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng tại tỉnh Hải Dương gần đây cho thấy, hơn 92% trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi không có kháng thể phòng bệnh sởi. 

Trong thực tế, thời gian qua đã xảy ra tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi với tỷ lệ khoảng 3%; đặc biệt, trong năm 2016 và 2017, tỷ lệ trẻ bị sởi khi chưa đến tuổi tiêm vắc xin là 20%. Tỷ lệ này trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng lên gần 40%. Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca mắc sởi, trong đó có gần 1/3 trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi.

Giải quyết dứt điểm “vùng lõm” tiêm chủng 

Trước tình hình dịch bệnh sởi đang gia tăng, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, kịp thời triển khai giải pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng. Hiện nay, thành phố đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. 

Vì vậy, các trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Sở Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho mẹ và con. 

Riêng với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi ngay từ khu vực phòng khám, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh sởi để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đồng thời tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh.

Điều lưu ý, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em - bắt đầu tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay; kết quả nghiên cứu và đề xuất đã được giao cho Hội đồng nghiên cứu của Bộ Y tế xem xét, phê duyệt để tiến tới triển khai trong thực tế - dự kiến vào quý IV năm nay. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ cũng như khuyến khích các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, triển khai quyết liệt việc tiêm vét cho các đối tượng có nguy cơ cao sẽ giúp Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sởi sau năm 2020. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo giải quyết dứt điểm các “vùng lõm” về tiêm chủng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở cấp xã, phường...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Hơn tất cả, cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 4 tuổi tại 17 tỉnh có nguy cơ cao. Dự kiến, Bộ Y tế tổ chức thêm một chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 4 tuổi trên phạm vi toàn quốc.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top