Y tếSức khỏe

Chủ động phòng chống bệnh dại trong mùa hè

09:15 - Thứ Hai, 02/07/2018 Lượt xem: 6604 In bài viết
ĐBP - Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dại. Ðây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, lây từ động vật sang người. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 2 ca tử vong vì bệnh dại; điều trị cho 1.935 ca phơi nhiễm với động vật, 7.601 lượt người tiêm vắc xin phòng dại. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Mường Ảng 359 ca, Tuần Giáo 171 ca, Mường Nhé 180 ca và Dự phòng tỉnh 584 ca...

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 - 8 hàng năm. Nguồn mang bệnh chủ yếu là chó, mèo; do lây truyền virut dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương. Hoặc gián tiếp do người hoặc gia súc bị tổn thương cơ giới tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo bị dại hoặc virut có thể qua niêm mạc mắt nguyên lành. Virut dại không sinh sản ở vết cắn mà theo dây thần kinh về hạch rồi vào thần kinh trung ương, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (cả người và động vật). Ðể phòng chống bệnh dại và giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người thì tiêm phòng cho vật nuôi là biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhất.

Bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều cái chết thương tâm do bệnh dại gây nên, mà nguyên nhân chủ yếu là không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Thời gian ủ bệnh dại thông thường từ 1 - 3 tháng, tùy thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ, vị trí của vết cắn có liên quan đến nhiều dây thần kinh và có gần não hay không… Nhưng khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần phải xử lý kỹ và sớm ngay chỗ cắn nhằm làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại nơi xâm nhập bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng nhiều lần, sau đó sát trùng bằng các dung dịch như cồn rồi đi tiêm vắc xin phòng dại. Nếu vết thương gần dây thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, vai, tay) hoặc ở nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh (đầu chi, bộ phận sinh dục) thì cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại và vắc xin dại. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, cần giữ gìn sức khỏe tốt, không để cơ thể suy yếu để đảm bảo cơ thể có đủ điều kiện sinh miễn dịch; theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo…

Ðể góp phần phòng chống bệnh dại, trước tiên, UBND các xã, phường tổ chức, thực hiện tốt công tác chuẩn bị rà soát, thống kê số lượng chó, mèo chưa được tiêm phòng và đã hết thời gian miễn dịch để tiêm phòng vắc xin dại. Tuyên truyền tới từng hộ gia đình, trên loa truyền thanh, phát tờ rơi về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm. Tuyên truyền người dân mua bán, giết mổ, vận chuyển chó, mèo thực hiện biện pháp quản lý và phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Nhân viên thú y xã, phường tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh dịch bệnh…

Ðồng thời, mỗi gia đình, cá nhân tích cực tham gia phòng và quản lý tốt đàn vật nuôi của gia đình; phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo, đặc biệt là khi chúng đang ăn. Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại…

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top