Bơi lội Việt Nam: Vượt qua chính mình là thành công

09:59 - Thứ Ba, 26/07/2016 Lượt xem: 3534 In bài viết
Lạc quan đến mấy thì người làm chuyên môn của bơi lội Việt Nam cũng không thể tự tin rằng VĐV của chúng ta có sức chạm vạch đích trong một nội dung để đứng ở 3 vị trí dẫn đầu tại Olympic. Dù vậy, 2 kình ngư được dự Olympic 2016 là Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên phải nỗ lực vượt qua thành tích của bản thân...

Chờ hái quả ngọt

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam đồng thời là Trưởng bộ môn bơi lội (Tổng cục TDTT) - ông Đinh Việt Hùng đã chia sẽ khi có mặt tại lễ xuất quân đoàn Việt Nam dự Olympic 2016 với đại ý chúng ta đã thành công về giành suất dự Olympic 2016. “Hiện tại, các tuyển thủ tập luyện theo đúng giáo án chuyên gia và HLV đề ra. Chúng ta giành được 2 suất dự Olympic là sự khích lệ và nâng tinh thần các VĐV lên rất cao. Hy vọng Viên và Phước có được chỉ số chuyên môn vượt thông số cao nhất của bản thân tại Olympic năm nay”, ông Hùng cho biết.

 

 
Ánh Viên và Quý Phước sẽ nỗ lực vì thành tích bản thân.

Tính theo lịch sử, năm 2012 là lần đầu bơi Việt Nam có suất chính thức dự Olympic (Nguyễn Thị Ánh Viên tham dự). Dù khi đó, Hoàng Quý Phước là người đầu tiên của Việt Nam vượt chuẩn B của nội dung thi đấu tại các giải tính chuẩn thế nhưng suất cuối cùng thuộc về Ánh Viên do nữ tuyển thủ của chúng ta đạt thành tích tối ưu hơn ở những chuẩn B đạt được. Kỳ này, khi Ánh Viên có chuẩn A (nghiễm nhiên có vé chính thức dự Olympic) thì bơi Việt Nam vẫn được 1 suất ưu tiên dành cho nam (trong trường hợp VĐV không đạt chuẩn A). Quý Phước được lựa chọn là hợp lý.

Trong nhiều lần chúng tôi gặng hỏi về sự tập luyện của Quý Phước tại Hungary thì người thầy Nguyễn Đông Hải của kình ngư này đều rất kiệm lời. Cũng hiểu vì, ông Hải muốn học trò của mình đồng thời là ngôi sao sáng của thể thao Đà Nẵng được ổn định tâm lý tập luyện. Theo chia sẻ của ông Hùng, trong điều kiện có thể của bơi lội Việt Nam thì Quý Phước và Ánh Viên được hỗ trợ điều kiện tối đa chuẩn bị cũng như thi đấu tại Rio de Janeiro (Brazil) sắp tới.

Lúc này, các chỉ số chuyên môn cá nhân của Viên và Phước hoàn toàn không mang ý nghĩa đánh giá vì thời gian tới khi ra tranh tài chính thức tại Olympic 2016 hơn 10 ngày nữa. Vì vậy, chúng ta đặt yêu cầu đầu tiên là VĐV vượt qua vòng loại lọt tiếp vòng bán kết nội dung. Vào được bán kết đã là hoàn thành mục tiêu cho bơi Việt Nam tại kỳ Thế vận hội này.

Từ Olympic sẽ tới đâu

Năm 2005, bơi lội Việt Nam lần đầu có HCV tại SEA Games (VĐV Nguyễn Hữu Việt). Sau đó, sự đầu tư của bơi lội Việt Nam dần được nhiều hơn và chúng ta có suất chính thức dự Olympic 2012 (Nguyễn Thị Ánh Viên) rồi HCĐ tại Asian Games 2014 (Nguyễn Thị Ánh Viên) và lần đầu xuất hiện một tuyển thủ giành 8 HCV tại SEA Games 28-2015 (Nguyễn Thị Ánh Viên). Năm 2016, bơi Việt Nam có 2 suất dự Olympic. Đó là bước trưởng thành của môn thể thao này vì trước giai đoạn thăng hoa hiện tại, VĐV bơi Việt Nam vốn không được đánh giá cao tại đấu trường quốc tế. Chưa kể, bây giờ, VĐV bơi chúng ta thường xuyên hơn đạt chuẩn để dự các giải VĐTG của hồ ngắn và hồ dài.

Tuy nhiên, từ sự góp mặt của Olympic, chúng ta vẫn phải thấy VĐV bơi Việt Nam còn khoảng cách chưa thể chạm tới đỉnh cao nhất của thế giới. Sẽ hài lòng hơn nếu từng kình ngư đạt được kết quả của khu vực. Những chiếc HCV châu Á hay Asian Games còn đang là mơ ước. Ánh Viên là tài năng xuất chúng đồng thời tạo cái nhìn khác biệt từ người hâm mộ, giới chuyên môn về môn thể thao này.

Chúng ta luôn chờ mong Viên có một ngày đứng trên bục huy chương của giải châu Á hay thế giới. Olympic thì vẫn đang thực sự quá tầm. Dù thế, quãng thời gian tập tại Mỹ đang đưa lại kết quả khả quan với Ánh Viên và nếu cô vượt qua vòng loại lọt vào bán kết và làm hơn thế tại nội dung 400m hỗn hợp cá nhân ở Olympic 2016 thì rất đáng khen ngợi.

Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) và Đỗ Thị Anh (đấu kiếm) là hai tuyển thủ trẻ nhất đoàn Việt Nam dự Olympic 2016. Cả 2 cùng sinh năm 1996 và dự Olympic này họ tròn 20 tuổi. Gần như từ trước tới nay, thể thao Việt Nam chưa có tuyển thủ nào ở độ tuổi này giành vé chính thức thi đấu Olympic (riêng Ánh Viên đã có 2 lần thi đấu Olympic)


Tiếc cho bơi lội nam

May mắn là ở phút cuối, Hoàng Quý Phước được chọn cho suất đặc cách, nếu không các nội dung bơi lội của nam sẽ “trắng” trong cuộc hành trình đến Olympic 2016. Mặc dù đã được đưa sang tập huấn ở Hungary cùng nhau trong một khoảng thời gian, nhưng như thế vẫn còn quá ngắn cho mục tiêu cao như việc chạy đua giành vé đến Brazil, nên thất bại của Trần Duy Khôi và Lâm Quang Nhật hay cả Hoàng Quý Phước cũng là điều dễ hiểu.

 

Dù đạt chuẩn B nhưng Lâm Quang Nhật vẫn chưa thể lọt vào danh sách những VĐV được tham dự Olympic 2016.

Hồi năm ngoái, Quang Nhật từng trở thành kình ngư đầu tiên ở Đông Nam Á sau 28 năm bảo vệ thành công tấm HCV cự ly 1.500m tự do tại đấu trường SEA Games. Chàng trai trẻ quê gốc Bạc Liêu đã rất nỗ lực hướng đến đỉnh cao Olympic. Thế nhưng, chuẩn B giành tại SEA Games 28 là thành tích tốt nhất của Nhật tính đến thời điểm hiện nay, chưa đủ để giúp anh lọt vào danh sách những VĐV được tham dự Olympic 2016.

Đối với Trần Duy Khôi, thất bại vừa rồi cũng đáng tiếc, nhất là khi kình ngư của TPHCM đang thể hiện sự tiến bộ nhanh chóng thời gian gần đây. Khôi từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc đua ở giải VĐTG 2015 cho 1 suất chính thức đến Brazil 2016, song anh đã phải sớm dừng bước ở vòng loại cự ly bơi sở trường cá nhân hỗn hợp.

Khi cả làng bơi lội Việt Nam đang trông chờ quá nhiều vào nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, mọi nguồn lực của môn bơi lội cũng dồn vào đó, thì các nội dung bơi lội nam không nhận được sự quan tâm đặc biệt như trước kia nữa. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ nếu so sánh về khả năng tranh đoạt thành tích của Ánh Viên so với nhóm kình ngư nam, khoảng cách khá xa vời. Thậm chí, nữ kình ngư người Cần Thơ còn có sự tiến bộ đáng kinh ngạc chỉ sau vài năm trở lại đây. Việc cô được đưa sang Mỹ tập huấn cả năm trời cũng là điều hợp lý.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top