Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Gìn giữ tình yêu gia đình

09:11 - Thứ Hai, 28/06/2021 Lượt xem: 49890 In bài viết

ĐBP - Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) khiến tôi nhớ đến hình ảnh những người mẹ, người vợ bịn rịn níu tay, rơi nước mắt khi tiễn con, chồng lên đường nhập ngũ; hay gương mặt người mẹ bần thần nhớ con đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế tập trung, chỉ mong sao dịch bệnh nhanh hết để con về thăm nhà; là câu chuyện tết đến nhưng cả bản bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, anh em, bố mẹ - con cái chỉ có thể chúc tết, nhìn nhau qua màn hình điện thoại… Với nhiều người, nhiều gia đình, tình cảm giữa cha mẹ - con cái, anh em, vợ chồng thường bình lặng, ít nói thành lời hay thể hiện ra bên ngoài. Nhưng trong những hoàn cảnh ấy, tình yêu thương, nỗi nhớ mong có thể được bộc lộ rõ ràng, không còn ngại ngùng giấu giếm.

Bà Lường Thị Hoan, bản Nà Nhạn 1 (xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ) kể lại những ngày gia đình quây quần, san sẻ cùng vượt qua khó khăn: Sát Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi vợ chồng tôi cùng 2 con đang ở trên lán làm nương thì nghe tin bản bị phong tỏa 21 ngày vì dịch, không thể về nhà, cũng không được đi đâu, trong khi trên lán chỉ có một chút ít đồ ăn. May được anh em cũng có nhà ở trên nương san sẻ gạo cho, sau đó được chính quyền tiếp tế một vài nhu yếu phẩm. Cả nhà tằn tiện sử dụng mắm, muối, gạo, hái măng rừng, bắt cá suối, có gì ăn nấy đến khi hết phong tỏa. Dù thiếu thốn nhưng chồng vẫn tích cực, động viên vợ con cố gắng vượt qua. Con thì ngoan, biết được dịch bệnh nguy hiểm nên dù buồn chán nhưng cũng không đòi về mà ngày ngày cùng bố mẹ chăm sóc cây trên nương cho tốt. Đây là khoảng thời gian gia đình trò chuyện, tâm sự với nhau nhiều nhất. Vợ chồng tôi có 1 người con trai lớn đang đi nghĩa quân sự, được tăng cường phục vụ hậu cần tại khu cách ly trong thành phố. 4 người trong gia đình ngày ngày ở cùng nhau rồi, còn con cả thì chỉ có thể gọi điện thoại nên cả nhà nhớ con lắm. Sau khi hết cách ly, chỉ mong nhanh được gặp lại con”.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã xáo trộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Cùng nhau sẻ chia, vượt qua khó khăn thời điểm này, mối quan hệ trong các gia đình thêm gắn bó. Hơn thế nữa, đây cũng là khoảng thời gian để các thành viên ở bên nhau quan tâm, lắng nghe, tìm về giá trị, nét đẹp truyền thống gia đình. Ngày thường, nhiều người bận rộn, không có đủ thời gian dành cho người thân. Dịch bệnh xảy ra, quán xá, các nơi công cộng hạn chế tập trung đông người, dịch vụ giải trí, phòng tập thể thao... tạm dừng hoạt động nên sau giờ làm việc, mọi người về nhà sớm hơn, dành thời gian chăm sóc gia đình. Anh Nguyễn Văn Bắc, tổ 15, phường Tân Thanh chia sẻ: “Thường thì sau khi tan làm, tôi chơi cầu lông đến tối muộn, có khi chơi xong đi uống bia với anh em, không về ăn cơm với vợ con. Nhưng từ khi dịch diễn biến phức tạp, quán xá đóng cửa hoặc không được tụ tập đông thì tôi về nhà luôn, rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập khác, rồi chơi với con, cùng vợ chăm sóc con, nấu nướng, ăn uống. Vì thế nhà cửa rộn ràng, vui vẻ, đầm ấm hơn hẳn”.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay có chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”, với mục đích giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; phòng chống xâm hại trẻ em; xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Theo nhiều người, chỉ khi nào gia đình bình an, mạnh khỏe thì mới đem lại những điều hạnh phúc, tạo sự an tâm để xây dựng những giá trị khác trong cuộc sống. Vì vậy, việc các thành viên gia đình, về nhà sớm, không chỉ là dành thời gian bên nhau, hiểu nhau để cùng gìn giữ giá trị tốt đẹp của gia đình mà còn ngăn chặn dịch bệnh vào tổ ấm, bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, giữa “lửa” hạnh phúc bền lâu.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top