Như một khát vọng sống

15:55 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 8843 In bài viết

ĐBP - Một mùa xuân mới đang về! Kể cũng thú vị thật và kỳ lạ thật, dẫu không có hình hài cụ thể, không có âm thanh rõ ràng, không có hương vị riêng biệt, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được tình xuân, ý xuân, hồn xuân trong thời khắc giao mùa. Ðặc biệt xuân nay, lúc chúng tôi viết những dòng này, thì một mùa xuân đặc trưng vùng cao - đặc trưng văn hoá Mông - đang diễn ra như một khát vọng sống, khát vọng vươn lên trong sự sinh tồn bất diệt. Ðó là Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Mông lần thứ IV, tại bản Loọng Luông (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên), do UBND huyện Ðiện Biên phối hợp với chính quyền các xã trong khu vực tổ chức.

Phụ nữ dân tộc Cống hái những bó hoa mào gà rực rỡ đi chơi tết.

Theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức, ngày hội có sự tham gia của gần 250 nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên, đến từ 11 xã có cộng đồng người Mông sinh sống trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Ngoài ra, từ địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mưởng Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông... khá nhiều các khán giả - cổ động viên người Mông đã về đây, đông nhất và cũng háo hức nhất là các nam thanh nữ tú tuổi đang yêu. Khá khen cho ai đã có sáng kiến tổ chức một ngày hội nồng ấm thế này và đúng như tên gọi của nó, đây là ngày hội lần thứ IV, nghĩa là đã 3 lần ngày hội được tổ chức và trong tương lai còn nhiều ngày hội tiếp theo, tại những địa bàn luân phiên trong huyện. Trong khuôn khổ ngày hội (7/12/2019), đã diễn ra các cuộc thi bắn nỏ, ném pa pao, chọi tu lu... cùng biểu diễn văn nghệ với khèn bè, kèn lá, đàn môi...

Cũng như Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Mông lần thứ III ( từ ngày 21 - 22/12/2017), do UBND huyện Ðiện Biên tổ chức tại bản Na Ư, xã Na Ư, “điểm nhấn” làm cho ai cũng như say trong lòng, no trong mắt, đó là vũ khúc khèn Mông rực lửa bên những tán ô quay tròn thật điệu đàng. Cũng cần nói thêm, tiếng khèn trúc và điệu múa ô là hai sản phẩm văn hoá tinh hoa đã từng chinh phục lòng mộ điệu của hàng nghìn khán giả Thủ đô, tại Ðại hội Văn nghệ toàn quốc 1954. Thật tuyệt vời khi giữa ngày xuân được tham dự các trò vui văn hoá, được thoải mái ngắm nhìn các cô gái Mông trong trang phục thổ cẩm truyền thống đẹp như bông hoa rừng, đang tấu những khúc kèn lá gọi bạn. Chiếc lá vô tri vô giác, ấy vậy mà khi đặt trên những cặp môi hường thì nó được thổi hồn, mang đi tín hiệu tình yêu cho người mình tin cậy gửi trao.

Thời điểm này đang là mùa hội Gầu tào (du xuân) của đồng bào Mông. Với dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc khác nói chung, các sắc thái văn hoá tập trung vào các lễ hội, mọi sự thăng hoa phát tiết cũng chủ yếu dồn vào các lễ hội. Tại đây, “con người lễ hội” tiến thêm một bước và có vị trí cao hơn so với “con người chế tác”. Hình tượng con người với tất cả trí tuệ trác việt, có khả năng thống trị thế giới muôn loài, đã được thần thánh hóa và lý tưởng hóa thông qua các động tác cường điệu, giàu tính ước lệ và ngôn ngữ biểu cảm. Thể hiện ước mơ chinh phục thiên nhiên, chiến thắng cái ác, sống ngay thẳng giữa trời đất núi rừng, như truyền thống muôn đời bất khuất của các thế hệ nối tiếp người Mông.

Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em và mong sao những ngày hội thế này lần lượt được tổ chức, với nhiều dân tộc khác. Ngày hội lần này đương nhiên là một cố gắng rất lớn và rất đáng trân trọng của chính quyền và ngành chức năng xã Mường Phăng cũng như huyện Ðiện Biên, của các cấp quản lý văn hoá, góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số, nhất là ở thời đại giao lưu và hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay...

Hoàng Công Phụng
Bình luận
Back To Top