Khó công nhận làng nghề truyền thống

08:22 - Thứ Bảy, 09/01/2021 Lượt xem: 7814 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có cộng đồng 19 dân tộc, văn hóa bản địa đa sắc màu, độc đáo. Gắn liền với đó là các nghề truyền thống đặc trưng, có sức thu hút và giá trị trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên sau nhiều năm định hướng, quy hoạch, tỉnh ta vẫn chưa có làng nghề nào được công nhận. Các nghề truyền thống cũng phát triển cầm chừng, nhiều nghề có nguy cơ mai một.

Hội viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) trình diễn và giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống cho khách tham quan tại Lễ hội Hoa Ban năm 2019.

Tháng 11/2014, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết 349/NQ-HÐND về việc thông qua Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó có quy hoạch các làng nghề. Như tại huyện Ðiện Biên phát triển thêm nghề làm giấy dó tại Na Sang, phát triển vùng nguyên liệu cho nghề mây tre đan Nà Tấu; Tủa Chùa xây dựng làng nghề truyền thống thêu ren thổ cẩm ở thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình đủ tiêu chuẩn công nhận; TP. Ðiện Biên Phủ khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm bản Him Lam 2; Ðiện Biên Ðông khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Mường Luân; Mường Lay xây dựng làng nghề mây tre đan tại phường Sông Ðà, làng nghề sản xuất khẩu xén… Ðến năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38/2017/QÐ-UBND ban hành Quy định công nhận và quản lý nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Ngày 16/9/2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 32/2019/QÐ-UBND quy định công nhận, quản lý và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ðịnh hướng, quy hoạch, tiêu chí công nhận, hướng dẫn hồ sơ, trình tự xét công nhận làng nghề đều đã có, nhưng cho đến nay toàn tỉnh vẫn không có cơ sở nghề truyền thống nào có hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề.

Trên thực tế, những năm qua tỉnh ta có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nghề truyền thống đã và đang được hỗ trợ, đầu tư xây dựng, phát triển, quảng bá sản phẩm. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, có một số cơ sở cơ bản đạt tiêu chuẩn để công nhận làng nghề như: Dệt thổ cẩm Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên; thêu ren truyền thống thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa); đan mây tre bản Nà Tấu, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ); làm bánh khẩu xén bản Bắc, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay)… Ðây là những cơ sở tiêu biểu, có tiếng trên địa bàn tỉnh và thường xuyên tham gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra trong danh mục làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều tra, rà soát trong toàn tỉnh thì có 31 chủ thể cơ bản đạt các tiêu chí theo Nghị định số 52/2018/NÐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó có 8 làng nghề truyền thống và 12 nghề truyền thống, chủ yếu là đan mây tre và dệt thổ cẩm. Tuy nhiên hầu hết hoạt động cầm chừng, một số làng nghề, nghề có nguy cơ mai một, như dệt thổ cẩm Mường Luân (Ðiện Biên Ðông), đan mây tre bản Hoàng Công Chất (huyện Ðiện Biên)… Ðây cũng là một trong những khó khăn trong quá trình phát triển, công nhận làng nghề. Theo ông Trịnh Minh Tiến, Phòng Chế biến nông, lâm, sản - ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn - người trực tiếp làm công tác này chia sẻ: “Các cơ sở nghề truyền thống cũng rất tha thiết, mong muốn được công nhận làng nghề để thêm cơ hội đầu tư, phát triển. Nhưng nội lực còn yếu, điều kiện sản xuất và nhân lực nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðể tìm người tâm huyết, hiểu biết đứng lên quản lý thành viên, làm các thủ tục hay vận hành hoạt động làng nghề còn khó”.

Như HTX dệt thổ cẩm Pa Thơm, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) mới thành lập tháng 6/2019 với 9 thành viên là phụ nữ trong bản Pa Xa Lào. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người dân tộc Lào nơi đây. Hầu hết các hộ trong bản đều có khung cửi và duy trì dệt thường xuyên. Tuy nhiên khi thành lập HTX, nhiều người còn e ngại chưa tham gia. Ðể phát triển thành làng nghề, HTX dệt thổ cẩm Pa Thơm có tiềm năng nhưng còn gặp khó trong các tiêu chí. Chị Lò Thị Vân, Giám đốc HTX chia sẻ: Chị em không có vốn để làm hàng sẵn. Hiện tại đang làm thêm một số đồ phục vụ việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Mặt hàng chủ yếu là: Váy, áo, túi, đệm ngồi. Nhiều chị em khác trong bản ngỏ ý có đơn hàng thì cho họ cùng làm nhưng nếu không cùng chung sức phát triển HTX, vượt qua thời gian khó khăn ban đầu thì khó tìm nguồn tiêu thụ và duy trì phát triển ổn định. Ðó cũng là một trong các tiêu chí công nhận làng nghề - hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu từ 2 năm liên tục.

Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị được giao trực tiếp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực làng nghề, nghề truyền thống và thường trực cho Hội đồng công nhận nghề, làng nghề truyền thống. Chi cục đã kết hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra rà soát các cơ sở làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, triển khai trực tiếp đến nhiều xã, thôn, bản và người dân. Nhưng qua trao đổi, được biết một số huyện, địa phương chưa quan tâm đến công tác này. Ðể phát triển làng nghề, có làng nghề được công nhận, bà Mai Thị Trang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ sâu sát xuống cơ sở trực tiếp hỗ trợ một số làng nghề đang hoạt động tốt hoàn thiện các tiêu chí và làm hồ sơ đề nghị công nhận. Tuy nhiên các tiêu chí như chứng minh nghề đã xuất hiện tại địa phương từ 50 năm trở lên, gắn với tên tuổi của nghệ nhân khó thực hiện bởi tỉnh ta chưa có nghệ nhân được vinh danh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ mà chỉ có nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Vì vậy việc công nhận làng nghề vẫn gặp nhiều vướng mắc, cần sự phối hợp, quan tâm của các địa phương và sự chủ động, tích cực của chính các làng nghề.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top