Đề cương về văn hóa Việt Nam: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời đại mới

16:15 - Thứ Năm, 23/02/2023 Lượt xem: 4843 In bài viết

Hệ giá trị quốc gia là sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình, con người tạo thành một hệ giá trị mang tính nền tảng, còn hệ giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc - nhân tố bồi đắp văn hóa gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa phản ánh mong muốn, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững.

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023 tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Miên Hạo

Bản sắc, hồn cốt của dân tộc

Lịch sử dân tộc nhiều lần chỉ rõ, nước ta có nền văn hóa phong phú và giàu bản sắc. Đây là thành quả của hàng ngàn năm lao động sáng tạo, kiên cường đấu tranh dựng nước, giữ nước và quá trình giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng hoàn thiện mình. Hành trình xây dựng, bồi đắp, phát triển văn hóa suốt dặm dài lịch sử đã hun đúc nên khí phách, bản lĩnh Việt Nam; bồi đắp nên bản sắc dân tộc, giá trị tinh thần, lý tưởng cao đẹp của cả cộng đồng.

Kể từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa đến mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…” tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), có thể thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với việc phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong đó, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là vấn đề hệ trọng, đã được Đảng và Bác Hồ nhiều lần đề cập, khẳng định và có sự tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước trong nhiều văn kiện, nghị quyết…

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những vấn đề này tiếp tục được nâng lên tầm nhận thức mới, coi là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Còn tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”; đồng thời đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...”.

Huy động sức mạnh tổng lực

Nói về tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển đất nước trong hiện tại và tương lai. Trong đó, hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, giúp soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử, khắc phục những điểm hạn chế và tăng cường điểm mạnh để xã hội phát triển bền vững”.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Việc gọi tên, đúc kết hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp hình thành những nhìn nhận bao quát, đầy đủ; đồng thời, phát huy hiệu quả chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị này, góp phần tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội, phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, tạo được sự hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong cuộc sống là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị, kết hợp giữa “xây” và “chống”: Xây dựng, bồi đắp và củng cố những giá trị tốt đẹp; chống lại những thói hư, tật xấu trong xã hội… Nền tảng chung và điều kiện cơ bản nhất để hiện thực hóa hệ giá trị quốc gia cũng như văn hóa chính là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý và điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực, vì tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ giá trị.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top