Video

Bước chân cô đỡ vùng cao

Thứ Tư, 10/10/2018 16:05 Lượt xem: 8512 In bài viết

ĐBP - Như đã hẹn trước, sáng nay Sùng Thị Của, bản Pu Nhi B, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) tất bật dạy từ sớm, ngược dốc lên nhà chị Hạng Thị Công – một sản phụ mới được Của đỡ đẻ thành công chiều hôm qua.

Sau những câu thăm hỏi, Của bắt đầu các thao tác thăm khám, kiểm tra cho sản phụ. Công việc này sẽ được thực hiện định kỳ đều đặn cho tới ngày thứ 42 sau đẻ, nếu cả mẹ và bé không có biến chứng gì thì Của sẽ chuyển nhiệm vụ sang cho lực lượng Y tế thôn bản theo dõi. Đây là một trong số gần 40 ca đỡ đẻ Của tiếp nhận và thực hiện thành công từ khi nhận nhiệm vụ là cô đỡ thôn bản.

Mặc dù cũng đang mang thai ở tháng thứ 9, song Của vẫn sẵn sàng tới tận nhà đỡ đẻ cho các sản phụ khi gia đình họ gọi; đồng thời đều đặn mỗi ngày không quên nhiệm vụ theo dõi, tư vấn cho các bà mẹ mang thai. 24 tuổi, Của có 5 năm kinh nghiệm làm cô đỡ và chưa từng để vụ việc đáng tiếc nào xảy ra. Ở đây xa trung tâm xã nên mấy năm gần đây việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em trong bản nhờ cả vào Của. Chính vì vậy, mặc dù chỉ phải chịu trách nhiệm 1 bản, nhưng bà con tín nhiệm nên giờ Của là cô đỡ của 4 bản, với gần 200 hộ dân.

Cùng với Sùng Thị Của, ở huyện vùng cao Điện Biên Đông hiện nay có 51 cô đỡ thôn bản, đang thực hiện nhiệm vụ tại 13 xã trong toàn huyện. Mỗi cô đỡ, ở mỗi vùng miền lại có những khó khăn đặc thù riêng. Và để thực hiện nhiệm vụ, mỗi ngày họ phải vượt qua những khó khăn đó. Mặc dù khoản phụ cấp ít ỏi (hơn 400 nghìn đồng/tháng mới được nâng lên từ tháng 7/2018) không thể đủ trang trải cuộc sống; song mỗi lần được chứng kiến “mẹ tròn con vuông” là nguồn động lực lớn để họ tiếp tục gắn bó với nghề.

Thống kê trung bình mỗi năm tại Điện Biên Đông có hàng nghìn phụ nữ được cô đỡ thôn bản can thiệp, giúp đỡ quá trình mang thai an toàn; hàng trăm trường hợp được cô đỡ thôn bản hỗ trợ đẻ thành công. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, toàn huyện có 520 phụ nữ mang thai, thì có 198 trường hợp được cô đỡ thôn bản hỗ trợ đẻ. Ở các khu vực có cô đỡ thôn bản không ghi nhận trường hợp nào bị tử vong mẹ, một số tai biến sản khoa đã được cô đỡ thôn bản phát hiện, xử trí kịp thời.

Mặc dù những khó khăn mang tính đặc thù không thể cải thiện trong một sớm một chiều, song ở khắp các bản làng vùng cao, những bước chân của cô đỡ như Của, như Lan vẫn ầm thầm, bền bỉ vượt thời gian, vì trọng trách “niềm tin” mà người dân gửi gắm, và cũng bởi mong muốn được nghe tiếng khóc của những đứa trẻ chào đời khỏe mạnh mỗi ngày. Song để công sức của những cô đỡ này phần nào được nhìn nhận và bù đắp thỏa đáng, thì có lẽ phải cần thêm nữa sự quan tâm từ các cấp.

Hà Linh

Back To Top