Video

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Cần sự chung tay từ mỗi người dân

Thứ Tư, 18/09/2019 09:33 Lượt xem: 7905 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 6 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có trên 18.900 con lợn bị tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho những người chăn nuôi tại địa phương. Dù các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, mà còn có nguy cơ bùng phát trở lại.

2 hôm nay, bà Lường Thị Hiên, bản Khá, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) lo lắng vì đàn lợn của gia đình bị chết mà không biết nguyên nhân vì sao. Mặc dù, trước đây đã được cán bộ thú y đến phun khử trùng phòng bệnh, phổ biến, tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi, song vì chủ quan cho rằng chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít sẽ không mắc dịch, nên chưa chú trọng vệ sinh quét dọn chuồng trại, khiến đàn lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy.

Những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra diện rộng tại 100 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dịch đã khiến nhiều hộ chăn nuôi trắng tay vì lợn bị tiêu hủy và đến nay, họ lại đang đứng trước nỗi lo về việc tái đàn, khôi phục lại sản xuất nhưng lại không có đủ vốn.

Đến thời điểm này, huyện Điện Biên là một trong những địa phương có số lợn bị tiêu hủy nhiều nhất tỉnh, với tổng số hơn 8.200 con lợn. Dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng huyện Điện Biên vẫn có 11 xã tái phát dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, các địa phương trong huyện đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn bị bệnh chết; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống, không để bà con hoang mang.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; vì nghĩ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên chưa chú trọng vệ sinh chuồng trại và còn làm chuồng trại lẫn trong khu dân cư, dẫn đến rất dễ bị lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều gia đình vẫn quen tập quán chăn nuôi lợn thả rông… Mặt khác, người chăn nuôi chưa chủ động trong phòng, chống dịch ngay từ gia đình nên đã gây thêm nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn của các đơn vị chức năng.

Theo thống kê của Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn tỉnh có 26 xã đã qua 30 ngày không có dịch nhưng lại phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi. Vì vậy, để ngăn chặn dịch, không phải chỉ có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, mà mỗi người dân cần phải nâng cao trách nhiệm, cùng chung tay phòng, chống dịch.

Với những diễn biến phức tạp như hiện nay, cuộc chiến phòng, chống dịch tả lợn châu Phi sẽ còn lâu dài nên rất cần sự đồng lòng của cả chính quyền và người dân. Để bảo vệ tài sản của chính mình, bản thân mỗi người chăn nuôi cần cập nhật các kiến thức, thông tin cần thiết về việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tăng cường vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêu độc khử trùng hàng ngày, không để người lạ, phương tiện vận chuyển từ nơi khác tiếp cận khu vực chăn nuôi. Theo cơ quan chuyên môn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, tất cả các cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong tỉnh không nên tái đàn vào lúc này, mà hãy chờ khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ quan chuyên môn thông báo tăng đàn trở lại thì mới tiếp tục tái đàn.

Phạm Quang

Back To Top