Chính trịXây dựng Đảng

Định hướng xây dựng, phát triển đất nước - lý luận và thực tiễn

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước vững mạnh, phồn vinh

10:14 - Thứ Ba, 23/01/2024 Lượt xem: 2418 In bài viết

Cuốn sách Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn lọc các bài viết, bài phát biểu, là những định hướng chiến lược, tư tưởng sâu sắc và cái nhìn sâu sát thực tiễn trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Cuốn sách Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nội dung cuốn sách thể hiện những tư tưởng, quan điểm và định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, nhằm triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung, các lĩnh vực và địa phương nói riêng.

Nội dung cuốn sách là định hướng quan trọng để các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quán triệt, nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước ta cho cả giai đoạn đến năm 2045. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Văn kiện của Đảng hội tụ tầm nhìn và khát vọng của dân tộc, niềm tin của nhân dân; là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Nội dung cuốn sách là định hướng quan trọng để các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quán triệt, nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Để thực hiện được phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản, quan trọng đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, không có cách nào khác là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Không phải Đại hội bế mạc là coi như xong. Đây mới chỉ là bước mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, khoa học. Ngay sau Đại hội XIII, lần đầu Đảng ta triển khai học tập, quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.400 điểm cầu cơ sở, với sự tham dự của gần 1 triệu đảng viên.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (thành phố Hà Nội) và hơn 11.600 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Các hội nghị học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Trung ương đã tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt khi nhiều cán bộ, đảng viên được nghe các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng truyền đạt nghị quyết một cách trực tiếp, nhanh chóng, đầy đủ, chính xác; tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, cắt giảm được nhiều hội nghị ở các cấp. Tại các hội nghị quán triệt nghị quyết, cán bộ, đảng viên được nắm rõ chương trình hành động, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện nghị quyết của Trung ương, thể hiện tính khả thi cao.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; trong đó, phải đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở sao cho phù hợp với từng đối tượng; chú trọng chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Giáo dục lý luận chính trị phải được khẳng định bằng tính đúng đắn, trên cơ sở khoa học vững chắc. Nội dung, chương trình phải có tính hiện đại, cập nhật được những vấn đề đương đại của đất nước và thế giới, đáp ứng được yêu cầu trong công tác lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, lý luận và thực tiễn phải gắn kết, soi sáng, bổ sung lẫn nhau, tránh tình trạng lý luận suông hoặc thực tiễn khô khan, tách rời, không ăn nhập với lý luận.

Nghiên cứu các bài viết trong cuốn sách của Tổng Bí thư, người đọc lĩnh hội những định hướng, đường lối, chủ trương lớn mà các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị cần quán triệt, cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Với nhiều giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cuốn sách là tài liệu quý đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị, giúp đội ngũ giảng viên chủ động, kịp thời cập nhật, bổ sung các kiến thức mới về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và các vấn đề do thực tiễn đang đặt ra của địa phương, đơn vị; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top