Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Cứu nạn trên biển

09:25 - Thứ Bảy, 11/12/2021 Lượt xem: 33735 In bài viết

ĐBP - Cứu hộ, cứu nạn ngư dân Trường Sa không chỉ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; mà còn là tình cảm, trách nhiệm của bộ đội Trường Sa đối với bà con ngư dân trên mọi miền đất nước chẳng may gặp nạn khi đánh bắt thủy hải sản. Việc cứu hộ, cứu nạn ở Trường Sa không có tính toán thiệt hơn, chỉ nồng ấm tình người, tình quân dân, thắm thiết đậm đà giữa bạt ngàn sóng gió.

Ngư dân Benjemin Abdulla được y sĩ tàu KN-464 chăm sóc y tế và bón sữa, cháo để hồi phục sức khỏe. Ảnh: Đức Thu

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, bộ đội Trường Sa ngoài 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân và cán bộ chiến sĩ 15 nhà giàn DK1 đã cứu hộ cứu nạn hàng chục ngư dân gặp nạn và phương tiện tàu thuyền hỏng hóc trong quá trình lao động đánh bắt hải sản trên biển. “Đồng hành với nhiệm vụ huấn luyện phòng thủ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bảo vệ ngư trường là một trong ba nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam thời bình. Bất kể người gặp nạn đó là ai, ngư dân Việt Nam hay nước ngoài, đều được cứu hộ, cứu nạn an toàn. Đối với ngư dân là người nước ngoài, việc cứu hộ cứu nạn còn thể hiện tình người không biên giới, không phân biệt sắc tộc, màu da”- Thượng tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ.

Ngày 9/11 vừa qua, trong khi cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây vừa rời thao trường huấn luyện phòng thủ trở về, thì phát hiện phía Đông Bắc đảo có 1 xuồng trôi tự do. Qua ống nhòm chiến sĩ phát hiện trên xuồng có 2 ngư dân đang ra tín hiệu cứu nạn. Ngay lập tức, Ban chỉ huy đảo triển khai “đội cơ động nhanh”. Quân y sẵn sàng dụng cụ test nhanh phòng dịch Covid-19, cử sĩ quan giỏi tiếng Anh sẵn sàng thông dịch, liên lạc với tàu KN-464 để phối hợp đưa 2 ngư dân vào đảo cấp cứu.

Trời càng về chiều tối, gió biển càng thổi mạnh, sóng bắt đầu lớn dần. Do tinh thần hoảng loạn, một trong hai ngư dân gặp nạn trên xuồng nhảy xuống biển bơi về hướng đảo. “Nếu không cứu nạn kịp thời, ngư dân này có thể bị sóng cuốn ra xa trước khi bơi được vào đảo” - trong đầu chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây - Thượng tá Hoàng Thanh Tú nghĩ nhanh. Ngay sau đó, Thượng tá Tú đã lệnh “tổ cơ động đặc biệt” cứu nạn ngư dân và đưa vào mép đảo. Qua phiên dịch được biết, ngư dân gặp nạn là Crisanto Misa, quốc tịch Philipine, sinh năm 1978. Trong quá trình đánh bắt hải sản, xuồng của Crisanto Misa bị chết máy, xa tàu mẹ, không liên lạc được, trong khi sóng to gió lớn.

Xúc động trước nghĩa cử của Bộ đội Trường Sa, qua phiên dịch, Crisanto Misa xúc động rưng rưng nói: “Cảm ơn bộ đội hải quân Việt Nam. Tôi sẽ nhớ mãi tình cảm này.Việt Nam và đất nước chúng tôi luôn đoàn kết, hữu nghĩ tốt”.

Trong khi cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây cứu nạn thành công ngư dân Crisanto Misa, thì các kiểm ngư viên tàu KN-464 đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Trường Sa được lệnh khẩn cấp tìm kiếm cứu nạn. Trời tối như mực, vùng biển Đảo Song Tử Tây sóng gió cuồn cuộn, tàu KN- 464 mở hết vận tốc, tiến nhanh về tọa độ có người gặp nạn. Vừa tăng tốc, vừa giữ liên lạc với đảo và các tàu bạn xung quanh để hỗ trợ tìm kiếm.

Sau hơn 1 giờ trong sóng to gió lớn, tàu KN-464 đã tiếp cận ngư dân Benjemin Abdulla và đưa lên tàu cấp cứu. Sau khi được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV2, khử khuẩn, thăm khám y tế, chăm sóc đặc biệt, ngư dân Benjemin Abdulla đã bình tĩnh tâm lý. Anh ứa nước mắt nhìn người phiên dịch bảo: “Cảm ơn các bạn, cảm ơn Việt Nam. Nếu không có các bạn, tôi đã nằm dưới đáy đại dương rồi. Ân tình này tôi không bao giờ quên”.

Xuồng CQ của tàu KN-464 đưa ngư dân Benjemin Abdulla từ tàu KN-464 vào đảo Song Tử Tây để bàn giao cho Hải quân Philipine. Ảnh: Đức Thu

Benjemin Abdulla cho biết, anh sinh năm 1989. Tàu câu mực của anh đã lao động nhiều ngày trên biển. Tàu có nhiều xuồng nhỏ. Xuồng của anh gặp nạn vì chết máy không khắc phục được nên đành xin cứu nạn. “Trong lúc sóng to gió lớn, tôi rất hoảng loạn. Trong đầu nghĩ không biết có sống để trở về. Các bạn đã cứu sống tôi thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn, cảm Việt Nam”- Benjemin Abdulla xúc động nhìn cán bộ chiến sĩ tàu KN-464 nói, qua người phiên dịch.

Sau một ngày bộ đội đảo Song Tử Tây và kiểm ngư viên tàu KN-464 cứu nạn 2 ngư dân ngoại quốc ngoài quần đảo Trường Sa, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/7 Vùng 2 Hải quân lại cấp cứu 1 ngư dân bị nạn trong khi lao động đánh bắt hải sản tại vùng biển thềm lục địa phía Nam. Đó là ngư dân Phạm Phương theo tàu cá Quảng Ngãi đánh bắt hải sản có số hiệu QNg 9458 TS. Ngư dân này bị liệt tứ chi, khó thở, bí tiểu, nguy hiểm đến tính mạng.

Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7 - Đại úy Ninh Thế Quyền đã chỉ huy tổ công tác khẩn cấp ứng cứu. Y sĩ thăm, khám, làm các thủ thuật ép bụng, thông tiểu, trợ tim, giãn cơ, kháng sinh chống nhiễm trùng, trợ lực vận mạch… Sau một ngày đêm tích cực cứu chữa, ngư dân Phạm Phương đã tỉnh lại, hồi phục sức khỏe và trở lại tàu cá lao động bình thường.

Xúc động trước khi tạm biệt các chiến sĩ nhà giàn DK1/7, tài công của tàu cá  QNg - 9458 TS Phạm Văn Hưng, nói: “Khu vực biển DK1 nước sâu rất nhiều cá. Mặc dù chúng tôi đã có các biện pháp bảo vệ khi lặn biển, nhưng cũng không tránh khỏi tai nạn rủi ro. Mỗi lần gặp nạn, việc đầu tiên là phát tín hiệu cứu nạn xin nhà giàn liên hệ với tàu hải quân giúp đỡ. Đánh bắt cá trong đêm, nhìn thấy đèn nhà giàn nhấp nháy, là chúng tôi ấm lòng yên tâm lao động”.

Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7- Đại úy Ninh Thế Quyền cho biết thêm, từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ chiến sĩ nhà giàn này cứu nạn 3 lượt ngư dân tàu cá gặp nạn trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản. Ngoài nghiệm vụ làm tiêu cho tàu thuyền quốc tế qua lại trên đường hàng hải quốc tế và bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc, nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là cứu hộ, cứu nạn bà con ngư dân khi họ gặp nạn. Khi có tin cứu nạn, nhà giàn nhanh chóng phối hợp với tàu trực, lực lượng Kiểm ngư 2 tổ chức cứu nạn nhanh nhất. Luôn luôn coi việc cứu nạn ngư dân như cứu người thân trong nhà, không có khoảng cách”.

Mai Thắng
Bình luận
Back To Top