UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016

00:00 - Thứ Tư, 13/01/2016 Lượt xem: 1563 In bài viết
ĐBP - Ngày 11/1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách năm 2016. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí phó chủ tịch, ủy viên UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020), UBND tỉnh đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2016 gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,8%; tổng sản lượng lương thực đạt 252.200 tấn; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,92%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 5,88%; tổng thu ngân sách địa phương đạt 6.701,5 tỷ đồng. Mức giảm tỷ lệ sinh 0,5%, dân số ổn định khoảng 556.000 người; tỷ lệ hộ nghèo còn 25,28% (giảm 2,73% so với năm 2015). Đào tạo nghề cho 8.000 lao động, tạo việc làm mới cho 8.500 lao động, xuất khẩu 100 lao động; tổ chức cai nghiện cho 1.345 lượt người. Phấn đấu 130/130 xã có đường ô tô vào được trung tâm xã, trong đó 120/130 xã có đường đi lại được quanh năm. 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với gần 90% số hộ được sử dụng điện. Phấn đấu trên 98% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và gần 74% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch năm 2016, UBND tỉnh xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; đảm bảo an sinh xã hội; triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình dự án trọng điểm và tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn yêu cầu: Các ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, lên được danh mục chương trình dự án trọng điểm ngay từ đầu năm, từ đó tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng; giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tập trung nguồn lực xây dựng TP. Điện Biên Phủ, tạo bộ mặt mới cho thành phố, trong đó phải có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là khu trung tâm hiện hữu phía đông TP. Điện Biên Phủ, khai thác tốt nguồn lực từ đất đai. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư. Các ngành liên quan và địa phương cần tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các ngành, các huyện, thị, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh, chú trọng các nguồn thu từ đất đai, khoáng sản trên địa bàn.

Tham luận tại hội nghị, các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đề xuất, bổ sung một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng đơn vị, địa phương. Trong đó tập trung các nội dung: tiếp tục xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Mường Ảng đi đôi với bình ổn giá cà phê, bảo vệ quyền lợi nông dân; ổn định dân cư, hạn chế tối đa tình trạng di dịch cư tự do; khai hoang đất nông nghiệp, đầu tư thủy lợi; xây dựng nông thôn mới; triển khai các biện pháp trồng rừng thay thế; vấn đề giải phóng mặt bằng; quản lý, đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng; xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và đảm bảo an ninh – quốc phòng…

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn nhấn mạnh: Các giải pháp đưa ra chính là cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Các cấp, ngành cần triển khai tích cực, hiệu quả, đồng thời tập trung khắc phục những hạn chế, nhất là các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; sản phẩm công nghiệp hiện đang đạt thấp, vấn đề nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến gỗ cần có sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp để chủ động hoàn thiện vùng nguyên liệu. Hiện nay, tiến độ thực hiện Đề án 79 đang rất chậm, các chủ đầu tư cần chủ động, tích cực, sâu sát hơn để hoàn thành đề án. Thực hiện quản lý chặt chẽ tài khóa, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; sử dụng thật tốt nguồn lực từ Trung ương trong triển khai các chương trình dự án ngay từ khâu khảo sát thiết kế, chỉ định nhà thầu.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top