Thành công nhờ sự thẳng thắn, trách nhiệm

08:30 - Thứ Tư, 18/07/2018 Lượt xem: 9437 In bài viết
ĐBP - Kỳ họp thứ 8, HÐND tỉnh khóa XIV đã thành công tốt đẹp với 11 nghị quyết quan trọng được thông qua về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Thành công của kỳ họp có đóng góp không nhỏ bởi tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu.

Ði thẳng vào vấn đề được quan tâm

Với nhiều báo cáo, tờ trình, dự thảo về nhiều lĩnh vực, khối lượng công việc tại kỳ họp thứ 8 rất lớn. Vì vậy, các đại biểu luôn phải tập trung cao độ, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để đưa ra những đóng góp, kiến nghị sát thực. Trong đó, vấn đề nợ đọng trong thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh được các đại biểu quan tâm. Ðại biểu Vùi Văn Nguyện, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) nhận xét: Hiện nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư các chương trình dự án chậm. Ðiển hình là việc giải ngân đối với các dự án giảm nghèo đã chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Sau đó, HÐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phân bổ vốn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phân bổ vốn bổ sung song hiện nay các ban quản lý dự án giảm nghèo cấp huyện chưa nhận được kinh phí.

 

Ðại biểu Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp thứ 8, HÐND tỉnh khóa XIV. Ảnh: Nhật Phương

Về nội dung này, ông Tạ Xuân Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh Ðiện Biên cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng tổng mức đầu tư thực hiện Dự án Giảm nghèo trên địa bàn. Ðể giải quyết tình trạng trên, Ban đã nhiều lần gửi tờ trình lên UBND tỉnh xin phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Giảm nghèo tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, ngày 22/6/2018, UBND tỉnh mới ra Quyết định số 506/QÐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 - 2015 với mức điều chỉnh tăng vốn đối ứng trên 11 tỷ đồng. Do đó, việc phân bổ nguồn vốn về các Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo các huyện chậm. Trong tháng 7/2018, Ban sẽ trình phân bổ chi nguồn vốn đối ứng Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015.

Trả lời về thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã lòng chảo Mường Thanh (huyện Ðiện Biên) gây bức xúc trong nhân dân, ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận thực trạng đang diễn ra và nhận trách nhiệm của Sở về việc để hoạt động khai thác cát trái phép xảy ra mà chưa giải quyết triệt để. Theo ông Tuấn, trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã còn buông lỏng, thiếu sâu sát và kiên quyết trong xử lý. Cùng với đó, việc quản lý cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng còn nhiều bất cập, khiến Sở khó khăn trong quản lý và xử phạt. Do đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn gửi Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản đề nghị hướng dẫn việc cấp phép khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Về giải pháp trước mắt, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi trái phép. Bên cạnh đó là các câu hỏi chất vấn về vấn đề nước thải sinh hoạt đô thị hiện nay gần như chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước; trong khi hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của TP. Ðiện Biên Phủ được đầu tư xây dựng từ năm 2016 chưa đi vào hoạt động; việc đóng cửa bãi rác Noong Bua quá chậm (2 năm)...

Sửa đổi, thông qua nhiều quy định quan trọng

Ðiển hình là Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 80/2017/NQ-HÐND, ngày 9/12/2017 của HÐND tỉnh quy định tiêu chí, định mức phân bổ vốn Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 135 vẫn còn 11,982 tỷ đồng chưa giao. Nguyên nhân là do Nghị quyết số 80/2017/NQ - HÐND ngày 9/12/2017 của HÐND tỉnh quy định tiêu chí, định mức phân bổ vốn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh đang áp dụng có một số nội dung về tiêu chí xã và công thức tính không theo quy định tại Quyết định số 48/QÐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, HÐND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung Ðiểm a, Ðiểm b Khoản 1 và Ðiểm a Khoản 2, Ðiều 3 của Nghị quyết 80/2017/NQ-HÐND. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành tổ chức thực hiện phân bổ vốn Chương trình 135 chính xác, phù hợp thực tế.

Một nghị quyết quan trọng khác đã được HÐND tỉnh thông qua tại kỳ họp là: Nghị quyết thông qua Ðồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung quy hoạch xây dựng vùng phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, vị thế, vai trò của tỉnh trong các mối quan hệ vùng của quốc tế, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Ðồng thời, đánh giá tiềm năng và nguồn lực phát triển, động lực phát triển vùng, tính chất vùng, nguyên tắc phát triển vùng, dự báo về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự báo nhu cầu sử dụng đất đến năm 2035… Theo đại biểu Lò Văn Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, tỉnh phải có giải pháp khả thi về dân số đối với thị xã Mường Lay nếu mục tiêu đặt ra đến năm 2025, dân số thị xã Mường Lay là 20.000 người, là đô thị loại IV và là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh. Việc quy hoạch  trung tâm huyện Nậm Pồ cần quan tâm vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; quy hoạch thị trấn Pú Tửu của huyện Ðiên Biên cần phải cụ thể, rõ ràng, có định hướng phù hợp.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top