Kỳ họp thứ 9, HÐND tỉnh khóa XIV

Nhiều nội dung cử tri, đại biểu quan tâm

10:34 - Thứ Sáu, 07/12/2018 Lượt xem: 9979 In bài viết

ĐBP - Kỳ họp thứ 9, HÐND tỉnh khoá XIV được tổ chức trong 3 ngày (5 - 7/12); với nhiều nội dung quan trọng. Cùng với xem xét các báo cáo công tác năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của một số ban, ngành, lĩnh vực theo thường lệ; kỳ họp còn đánh giá toàn diện giữa kỳ thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và đặc biệt là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HÐND tỉnh bầu... Kỳ họp đã được nhiều đại biểu, cử tri đặc biệt quan tâm; sau đây là một vài ý kiến tâm huyết, Báo Ðiện Biên Phủ xin gửi đến bạn đọc.

Ðồng chí Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, tổ đại biểu HÐND huyện Tuần Giáo

Cần bổ sung chỉ số PAPI vào đánh giá

 
Cơ bản đồng tình với các nội dung UBND tỉnh trình tại kỳ họp nhưng tôi cho rằng cùng với đánh giá chỉ tiêu PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cần bổ sung thêm chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) vào nội dung báo cáo để có đánh giá cụ thể hơn. Chỉ số này đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm thông qua 6 nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Ðây là chỉ số tiến hành điều tra hết sức khoa học, lấy ý kiến trực tiếp từ người dân để đánh giá mức độ hài lòng của họ với các cơ quan Nhà nước. Ðó cũng là sự ghi nhận phản hồi của người dân về hiệu quả công tác cải cách hành chính của các đơn vị nỗ lực tiến hành trong thời gian qua. Theo đánh giá chỉ số PAPI năm 2017, Ðiện Biên đang ở nhóm trung bình thấp trong cả nước. Chúng ta nên mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề này, tìm hiểu tại sao người dân lại đánh giá ở mức độ đó để có những định hướng nỗ lực vươn lên trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công với mục tiêu lấy việc phục vụ nhân dân là sứ mệnh trọng tâm. Ngoài ra, đưa chỉ số PAPI vào báo cáo cũng sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá sự tiến bộ, hiệu quả qua từng năm trong việc thực thi công vụ tại các cơ quan Nhà nước.

Hải Phong (ghi)

Ðồng chí Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp

 
Sau 4 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã giúp nông dân tiếp cận được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có đặc tính ưu việt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho nông dân, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chính sách vẫn còn bộc lộ nhiều nội dung bất cập (hỗ trợ dàn trải và hạn mức hỗ trợ, mức hỗ trợ thấp, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều nội dung không triển khai thực hiện được...). Ðể phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, có vị trí, thương hiệu trên thị trường nông sản, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ tạo đà cho các sản phẩm phát triển. Do đó, việc ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tại kỳ họp HÐND tỉnh lần này, sau khi chính sách được ban hành sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ các loại hình liên kết sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản cũng là bước tiến để thực hiện thành công Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, gắn với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Quang Long (ghi)

Ðồng chí Tẩn Minh Long, Tổ đại biểu HÐND huyện Mường Ảng

Quan tâm việc trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo

 
Với vai trò là đại biểu dân cử, ngoài những nội dung đóng góp vào thẩm tra các tờ trình, báo cáo, tôi còn quan tâm đến các vấn đề xóa đói giảm nghèo được triển khai trong thời gian vừa qua. Cùng với việc hỗ trợ “cần câu” cho người nghèo, việc hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ pháp lý cũng là một trong những công tác quan trọng nằm trong hệ thống chính sách giảm nghèo. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 48.000 hộ nghèo (gần 40% tổng số hộ). Như vậy, có thể thấy nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người nghèo là rất lớn. Tuy nhiên qua theo dõi, những năm qua công tác trợ giúp pháp lý mới đang tập trung vào việc trợ giúp pháp lý trong các vụ việc hình sự, dân sự cụ thể mà chưa thực hiện được đầy đủ như chính sách của Chính phủ, nhất là việc tư vấn cho người dân nắm bắt và hiểu biết, tiếp cận chính sách giảm nghèo của người nghèo, trợ giúp cho người dân tham gia các dự án phát triển kinh tế còn hạn chế. Theo tìm hiểu của tôi, nguồn kinh phí địa phương dành cho công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế và trong một số việc thực hiện chưa bảo đảm quy định. Vì vậy, tại kỳ họp này tôi đề nghị Sở Tư pháp giải trình làm rõ công tác trợ giúp pháp lý đã thực sự quan tâm đến việc giúp cho người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước hay chưa? Ðồng thời, làm rõ việc sử dụng nguồn kinh phí dành cho công tác phát thanh chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông trên đài truyền thanh xã để có câu trả lời cụ thể tới các cử tri.

Sơn Nam (ghi)

Cử tri Nguyễn Quốc Phòng, tổ dân phố 16, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ)

Các cơ quan chức năng không nên “nợ” nhân dân quá lâu

 
Thời gian qua, công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cấp, ngành và cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau khi được giải quyết cơ bản phù hợp nguyện vọng cử tri. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn các sở, ngành, cơ quan chức năng và các cấp đang “nợ” cử tri những câu trả lời thỏa đáng. Ðặc biệt, một số ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp lần thứ 4, thứ 5 HÐND tỉnh về một số vấn đề như: Ðề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện sớm đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hóa Thanh, thiếu niên (thuộc Tỉnh đoàn) để thanh, thiếu niên có địa điểm hoạt động; việc chợ Trung tâm 1 (TP. Ðiện Biên Phủ) chưa quy hoạch bãi đỗ xe... chưa giải quyết xong, chưa xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có kiến nghị chưa xác định được thời hạn giải quyết.

Với tư cách là cử tri, tôi mong rằng với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chưa xác định rõ thời hạn, giải pháp giải quyết, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu xác định biện pháp và dự kiến thời hạn giải quyết, để cử tri biết, theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng, các sở, ngành liên quan cần giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước.

Riêng với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; tôi đề nghị phải xác định rõ lộ trình và tập trung giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền; đối với các ý kiến, kiến nghị không thuộc trách nhiệm, cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể để tỉnh xem xét giải quyết hoặc đề xuất trung ương giải quyết trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Văn Quyết (ghi)

Cử tri Lường Văn Thung, Phó Chủ tịch HÐND xã Mường Lói (huyện Ðiện Biên)

Nhiều tín hiệu đáng mừng trên các lĩnh vực

 

Qua theo dõi, tôi thấy kỳ họp thứ 9, HÐND tỉnh khóa XIV tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Từ những báo cáo UBND tỉnh trình tại kỳ họp, tôi thấy nhiều tín hiệu đáng mừng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh: 32/37 chỉ tiêu đạt trên 100% so với kế hoạch, 5/37 chỉ tiêu ở mức cơ bản hoàn thành (đạt trên 95%). Trong giai đoạn đến hết năm 2020, dự báo có 38/41 chỉ tiêu chủ yếu dự ước đạt, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết XIII tỉnh đảng bộ; chỉ có 3/41 chỉ tiêu khó đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra… Ðối với những chỉ tiêu khó đạt, các thành viên UBND tỉnh, đại biểu HÐND cũng đã chỉ ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất hướng tháo gỡ những khó khăn trên.

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu xem xét 18 nghị quyết do HÐND tỉnh, UBND tỉnh trình. Trong đó, nhiều nội dung tôi rất quan tâm, như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Quy định loại phương tiện, hình thức và mức hỗ trợ phương tiện nghe - xem thực hiện Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020… Bởi các nội dung này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân các xã khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Ví dụ như xã Mường Lói có tới hơn 40% hộ nghèo với kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp thì các chính sách hỗ trợ sản xuất sẽ là động lực để những hộ dân này vươn lên. Ngoài ra, người dân 5/9 bản của xã còn khó khăn trong tiếp cận với các phương tiện nghe, xem có thể sẽ được hỗ trợ để nắm bắt thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Mai Giáp (ghi)

Bình luận
Back To Top