Quân và dân Ðiện Biên cùng cả nước giải phóng miền Nam

10:56 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 10897 In bài viết

ĐBP - Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, quân và dân Ðiện Biên đã cùng nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng giành thắng lợi, kết thúc gần một thế kỷ xâm lược, áp bức của thực dân Pháp. Thắng thực dân Pháp, song dân tộc ta vẫn chưa được hưởng độc lập tự do trọn vẹn, bởi chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ xâm lược khiến nhân dân hai miền Nam - Bắc vẫn sống trong cảnh chia cắt. Ðể 2 miền Nam - Bắc thống nhất, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Ðiện Biên tiếp tục góp sức người, sức của, cùng với quân và dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với bao người lính từ mọi miền Tổ quốc, nhiều chiến sĩ là người Lai Châu cũ (nay là Ðiện Biên và Lai Châu) khi đó đã tình nguyện nhập ngũ, cầm súng chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến công oanh liệt đó là trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm vẫn còn in sâu trong ký ức của những người cựu chiến binh Ðiện Biên từng tham gia vào cuộc chiến ấy.

Chiến tranh đã qua đi nhưng ký ức về những năm tháng gian khổ, kỷ niệm với đồng đội vẫn còn mãi trong tâm trí cựu chiến binh (CCB): Tống Văn Thoóng, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) - một trong những người con của mảnh đất Lai Châu cũ tham gia giải phóng miền Nam. Tiếp chúng tôi trong gian phòng khách được trang trí với rất nhiều những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng đồng đội; cẩn thận, nâng niu từng tấm ảnh, ông Thoóng tâm sự: “Ðó là những đồng đội còn lại của tôi, những người đã cùng vào sinh, ra tử với tôi trong cả 2 chiến dịch: Tây Nguyên và Hồ Chí Minh. Ðây là những bức ảnh chúng tôi chụp lại khi đất nước đã thống nhất, anh em trong đơn vị gặp mặt. Khi nhập ngũ thì đông còn khi hòa bình chỉ còn mấy người với nhau, vì nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm xuống!”.

Nói đến đây, giọng ông như trầm xuống, nghẹn lại, còn đôi mắt đã đỏ hoe, ngấn lệ. Chứng kiến cảnh tượng đó, chúng tôi - thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình có thể không hiểu hết được những nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh gây ra nhưng cũng cảm thấy bồi hồi cảm xúc. Nén lại sự xúc động, ông Thoóng tiếp tục câu chuyện. Người cựu chiến binh này kể cho chúng tôi nghe về không khí trong ngày nhập ngũ: “Năm 1972, tôi tình nguyện tham gia nhập ngũ. Trong đợt ấy, ở Lai Châu cùng nhập ngũ với tôi có hơn 100 người, trong đó có gần 60 người vào giải phóng miền Nam, còn lại sang Bắc Lào. Dù ngày xưa còn muôn vàn khó khăn, song tinh thần, khí thế lên đường hăng hái lắm. Không nói ra nhưng ai cũng biết là sẽ phải dấn thân, phải hi sinh nhưng tinh thần khí thế sôi sục, lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược dâng lên tột độ nên không ai còn sợ hãi gì nữa. Sau đó, tôi được biên chế vào Ðại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Cũng trong năm ấy (năm 1972), tỉnh Lai Châu đã gọi 5 đợt nhập ngũ, cũng là lần gọi nhập ngũ nhiều nhất thời điểm đó. Số lượng người Ðiện Biên và Lai Châu nhập ngũ rất đông nhưng vì không tập trung như bây giờ nên không thể biết chính xác quân số đi giúp bạn Lào và giải phóng miền Nam là bao nhiêu…”.

Thời gian trôi qua, song những ký ức về đồng đội vẫn in sâu trong tâm trí những người CCB giải phóng miền Nam. Trong ảnh: CCB Tống Văn Thoóng nâng niu những bức ảnh chụp cùng với đồng đội.

Những ngày khói đạn bao trùm miền Nam, ông cùng các đồng đội của mình đã trải qua bao nhiêu gian khổ, mất mát. Ông Thoóng kể: “Chiến trường miền Nam vô cùng gian khổ, ác liệt, quân ta chỉ với trang bị vũ khí thô sơ cùng với nhân dân đứng lên chống lại một đế quốc có tiềm lực quân sự mạnh, hiện đại bậc nhất thế giới. Nhưng không vì thế mà chúng ta sợ hãi. Bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, mỗi chiến sĩ đều hiểu được đây là chiến dịch đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tôi vẫn nhớ khi đó, quân đội ta hành quân dài ngày trong rừng sâu nên nhiều người vài tháng không cắt tóc. Vì lẽ đó, trước khi bước chân vào giải phóng Sài Gòn, nhiều đơn vị yêu cầu anh em cắt tóc, chỉnh trang lại trang phục trước khi vào thành phố. Ðiều đó khiến tôi nhớ mãi không quên”.

Chia tay CCB Tống Văn Thoóng, chúng tôi tìm gặp CCB Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội CCB TP. Ðiện Biên Phủ - người đồng đội với ông Thoóng. Rót chén trà nóng mời khách, ông Tịnh tâm sự: “Vào thời điểm đó, chiến tranh diễn ra rất khốc liệt, đế quốc Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền giết hại đồng bào ta. Ðơn vị của tôi lúc đó là Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị tiến thẳng vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tháng 3/1975, chúng tôi tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột; sau đó tiến về Tây Ninh. Cho đến ngày 30/4/1975 thì phối hợp với các đơn vị khác vào giải phóng Sài Gòn. Lúc đó, chiến trường như đổ lửa, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng với ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù, tôi và đồng đội đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để chiến đấu. Dù đã 45 năm trôi qua với bao bộn bề của cuộc sống, nhưng chưa khi nào tôi quên được ký ức về những trận đánh, về đồng đội ở chiến trường giải phóng miền Nam năm ấy”.

Ðến nay, riêng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ vẫn còn 879 CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ; trong đó có 149 người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Có người quê gốc ở Ðiện Biên, Lai Châu, có người ở các vùng quê khác nhưng họ có điểm chung là đều đóng góp vào sự thống nhất của 2 miền Bắc - Nam và giờ đây lại góp sức xây dựng mảnh đất Ðiện Biên Phủ anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Ðất nước thống nhất đến nay đã 45 năm, nhưng ký ức “một thời hoa lửa” vẫn lắng đọng và thật đáng trân trọng với mỗi chiến sĩ, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Bên cạnh sự đóng góp của mỗi người chiến sĩ ấy còn có sự góp sức của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Theo thống kê của Hội CCB tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 17.542 hội viên; trong đó có 4.337 CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ðể giành thắng lợi trước đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc Ðiện Biên đã có nhiều đóng góp to lớn như: Vận động trên 9.200 con em lên đường nhập ngũ; còn giai đoạn từ năm 1973 - 1975 đã có trên 1.600 thanh niên lên đường đánh Mỹ tại các chiến trường Bắc Lào, Quảng Trị… và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với nhiệm vụ tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng vũ trang tỉnh đã phối hợp đánh trả 648 trận máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời, bắn rơi, làm hư hỏng 59 máy bay địch.

Khi đó, Ðiện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, song tất cả vì miền Nam ruột thịt, hướng tới tiền tuyến, nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, chi viện sức người, sức của cho miền Nam và trở thành hậu phương vững chắc góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top