Còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

08:45 - Thứ Sáu, 23/10/2020 Lượt xem: 4605 In bài viết

Chiều 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp chiều 22-10.

Ý kiến trái chiều về mở rộng chủ thể

Thảo luận về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho rằng, cần cân nhắc quy định bên ký kết Việt Nam là đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã thuộc khu vực biên giới. Việc ký kết thỏa thuận quốc tế là vấn đề nhạy cảm, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có đủ năng lực để ký kết thỏa thuận.

Trên thực tế, cán bộ phụ trách pháp chế tại các cơ quan ở khu vực biên giới đều kiêm nhiệm, năng lực trình độ còn hạn chế nên không phù hợp và khó khả thi.

“Bên cạnh đó, các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định nhiệm vụ, quyền hạn UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế nên không thống nhất với pháp luật hiện hành”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) và đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) lại nêu quan điểm ủng hộ quy định được nêu trong dự thảo Luật là UBND cấp xã ở khu vực biên giới được giới hạn một số nội dung trong ký kết thỏa thuận quốc tế như giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) cho rằng, để bảo đảm tính khả thi cần quy định rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ký kết thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để có cơ sở bố trí, đào tạo nhân sự.

Đại biểu Ngàn Phương Loan (Đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị cần làm rõ, bổ sung chủ thể được ký kết thỏa thuận quốc tế thuộc cơ quan cấp tỉnh như tổ chức chính trị - xã hội.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, nếu giao cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã ký kết thỏa thuận thì phải được hướng dẫn cụ thể trong văn bản dưới luật nhằm tránh việc áp dụng, lạm dụng đại trà trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế vì công tác đối ngoại luôn tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm, phức tạp về chính trị, quốc phòng - an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên thảo luận.

Hơn 1.000 thỏa thuận quốc tế đã được UBND cấp huyện, UBND cấp xã ký kết

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào một số vấn đề liên quan đến nguyên tắc ký kết thỏa thuận, đối tượng áp dụng, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản thỏa thuận…

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế cho các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức phi chính phủ vào đối tượng áp dụng của Luật. Thời gian qua, các chủ thể nói trên đã tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế rất hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu quan điểm, về nội dung nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế cần nêu rõ khi đã ký kết thì phải cam kết thực hiện đầy đủ những nội dung đã được thỏa thuận.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật đã quy định thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt nhưng lại quy định trừ trường hợp có sự thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp bên ký kết là cấp huyện, cấp xã thỏa thuận ký ngôn ngữ khác thì sẽ phủ nhận quy định phải có văn bản bằng tiếng Việt, do đó đại biểu đề nghị sửa lại quy định này cho phù hợp.

Tại phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu và làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trong đó, đồng chí Phạm Bình Minh nêu thực tế trong thời gian qua, trên cả nước đã có 874 văn bản thỏa thuận quốc tế được UBND cấp huyện ký kết, 157 văn bản UBND cấp xã ký kết thỏa thuận quốc tế, từ đó có thể thấy việc giao UBND cấp huyện, UBND cấp xã ký kết thỏa thuận quốc tế xuất phát từ thực tiễn và bảo đảm hiệu quả.

“Dự thảo đã giới hạn phạm vi thỏa thuận quốc tế UBND cấp xã được ký kết và thỏa thuận này phải được UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép… phù hợp với chủ trương, quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, về cơ bản đồng tình với những nội dung của dự thảo Luật. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thành dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top