Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

12:31 - Thứ Sáu, 18/12/2020 Lượt xem: 7300 In bài viết

ĐBP - Ngày 18/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ tư pháp chủ trì hội nghị. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Tại kỳ họp thứ 3, ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Qua hơn 7 năm thi hành luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các các văn bản hướng dẫn. Nhờ đó thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp ngày càng được củng cố và phát triển; hoạt động quản lý về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập, chưa đầy đủ, cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện… Do đó cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giám định tư pháp về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; chi phí giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý đối với công tác giám định tự pháp; trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp…

Đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất những vấn đề cụ thể vào Luật sổ đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp, như: Bảo vệ người được giám định tư pháp; vị trí của giám định viên khi tham dự phiên tòa; cơ chế chính sách cho giám định viên; tăng cường, kiểm tra, giám sát việc thi hành luật giám định tư pháp…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Tin, ảnh: Mai Khôi
Bình luận
Back To Top