Bài dự thi Giải Báo chí “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

Đưa cây chè Tủa Chùa vào cuộc sống

07:29 - Thứ Tư, 17/08/2022 Lượt xem: 5550 In bài viết

Bài 3: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ

ĐBP - Phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị cây chè trên địa bàn các xã phía Bắc, cấp ủy, chính quyền huyện Tủa Chùa đã chủ động quyết liệt vào cuộc nhằm từng bước tháo gỡ nút thắt. Bằng sự nỗ lực đó, “hương” chè Tủa Chùa tiếp tục vươn xa, trở thành cây chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực sự đưa nghị quyết về cây chè đi vào cuộc sống.

Bài 1: Chè Shan tuyết nơi đại ngàn

Bài 2: “Long đong” nghị quyết chốn sương mù

Bao đời nay, cây chè đã gắn bó với người dân Tủa Chùa ở các xã phía Bắc. Trong ảnh: Cây chè cổ thụ ở bản Hấu Chua, xã Sín Chải.

Điều chỉnh, bổ sung sát thực tế

Từ năm 2019 đến nay, huyện Tủa Chùa chú trọng xây dựng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi và hỗ trợ phát triển sản phẩm chè an toàn theo chương trình mỗi xã một sản phẩm về bao bì, in tem, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Ông Vùi Văn Nguyện, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa cho biết: Để cụ thể hóa nghị quyết liên quan đến cây chè, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng nghị quyết về “Phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, Tủa Chùa xác định mục tiêu bảo vệ, chăm sóc diện tích chè hiện có là 595,89ha, đặc biệt là quan tâm bảo vệ 7.300 cây chè cao cổ thụ. Do đầu ra sản phẩm hạn chế, vì thế Đảng bộ huyện xác định đến năm 2025, Tủa Chùa không mở rộng diện tích chè cây thấp mà chỉ phấn đấu trồng 1,5 vạn cây chè Shan tuyết cây cao. Đồng thời, tập trung đầu tư cải tạo, thu hái chè theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm chè (hiện nay người dân chủ yếu thu hái thủ công, chưa đảm bảo đúng quy định). Các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty xây dựng thương hiệu, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, tích cực vận động nhân dân tự gieo ươm giống chè Shan tuyết, trồng giặm trên những diện tích còn thưa, chưa đảm bảo mật độ; đa dạng hóa các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu thị trường như chè túi lọc, tinh bột chè... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Quà rà soát đánh giá thực tế, UBND huyện Tủa Chùa đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy hoạch phát triển vùng chè ở 4 xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sính Phình. Cụ thể, bổ sung nội dung hỗ trợ tạo mặt bằng sản xuất, chế biến, hỗ trợ các loại cây trồng xen canh cây chè có giá trị kinh tế cao (mắc ca, óc chó, sơn tra, cây ăn quả); hỗ trợ kinh doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động dịch vụ, du lịch gắn kết với bảo tồn, phát triển cây chè. Đối với việc bảo vệ cây chè cổ thụ trước nguy cơ dần bị chết, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ người dân để họ có động lực thực sự gắn bó với cây chè; ưu tiên hướng sản xuất hữu cơ, an toàn. Ngoài ra, thời gian tới huyện cũng bổ sung mật độ cây chè với 2 vạn cây (đã được ươm tại bản Cáp, thị trấn Tủa Chùa); cũng như tiếp tục vận động người dân tự ươm hạt chè để trồng, tăng mật độ; xây dựng fanpage, trang youtube, mời các tiktoker quay video quảng bá sản phẩm khi có cơ chế chính sách hỗ trợ.

Những tín hiệu tích cực

Hiện nay, toàn huyện có 3 xưởng, 2 máy mini chế biến chè tại các xã: Sính Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp tỉnh quản lý; ngoài ra, 3 máy chế biến chè mini do Công ty Trà Phan Nhất đầu tư tại xã Tả Sìn Thàng, Tả Phìn. Trong đó, nhiều hạng mục của nhà xưởng đã hư hỏng xuống cấp, tình hình hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động đã nhiều năm nay.

Trước thực trạng đầu tư, quản lý cơ sở hạ tầng chế biến trên, tháng 6 vừa qua, huyện Tủa Chùa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông (Intracom) Hà Nội khảo sát thực địa, đánh giá thực trạng, tiềm năng và chế biến chè tại các xã trên địa bàn. Qua đó, Công ty đánh giá khí hậu và thổ nhưỡng của huyện Tủa Chùa tương đối phù hợp với việc phát triển vùng nguyên liệu chè, tiềm năng để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Về việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại huyện Tủa Chùa, Công ty đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè Shan tuyết Tủa Chùa tại bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình) với diện tích khoảng 5ha. Ngoài việc thu mua sản phẩm chè của người dân địa phương, Công ty sẽ phát triển vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 50ha. Ông Nguyên Thanh Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông cho biết: Mục tiêu cụ thể của chúng tôi là thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm chè Shan tuyết của Tủa Chùa; xây dựng vùng chè Shan tuyết có quy mô thích hợp với các nguồn tài nguyên trong vùng; xây dựng nhà máy chế biến chè với công nghệ tiên tiến, hiện đại tạo ra một lượng chè hàng hóa với chất lượng và giá trị thương mại cao, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Do đó, Công ty mong muốn huyện Tủa Chùa, UBND tỉnh Điện Biên sớm chấp thuận dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại huyện. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho người người dân trong vùng dự án... Hiện nay, Tủa Chùa đã trình văn bản, chờ UBND tỉnh chấp thuận dự án. Đồng thời đề xuất với tỉnh có cơ chế đối với cây chè trong việc giữ gìn, bảo tồn cây chè gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, Tủa Chùa đã xây dựng được 3 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP (Bạch trà Shan Tuyết, Shan Tuyết cổ thụ, Trà xanh Sính Phình) và được xếp loại 3 sao. 2 chuỗi sản phẩm chè Shan tuyết thuộc 2 doanh nghiệp (Công ty Trà Phan Nhất và Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên) liên kết với các hộ dân thu hái chè; được công bố tiêu chuẩn đảm bảo, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại Tủa Chùa đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, tạo động lực lớn về phát triển kinh tế cho địa phương... Bằng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân, thời gian tới, không chỉ khai thác giá trị của cây chè cổ thụ qua việc sản xuất, chế biến và bán sản phẩm chè, mà còn hướng đến khai thác tiềm năng du lịch từ hoạt động trải nghiệm, khám phá vùng chè cổ thụ, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top