Gần dân, hiểu dân để… giúp dân

11:02 - Thứ Tư, 31/08/2022 Lượt xem: 5930 In bài viết

ĐBP - Sau cuộc điện thoại phản ánh vào ngày 30/8 từ trưởng bản Huổi Lắp (xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé), Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng lập tức thành lập đoàn công tác xuống bản, trực tiếp gặp dân, lắng nghe dân. Không chỉ gần dân để hiểu dân, nắm bắt những kiến nghị cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con mà ngay trong buổi làm việc đó người dân Huổi Lắp đã được giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh tại cơ sở. Đó là câu chuyện chúng tôi vừa ghi nhận được tại huyện Mường Nhé.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng (ngoài cùng bên phải) trong buổi gặp dân bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm.

Cán bộ gần dân…

3 giờ chiều, khi nắm được thông tin Bí thư Huyện ủy sẽ trực tiếp xuống gặp dân, ngôi nhà nhỏ của anh Lý A Páo, Trưởng bản Huổi Lắp trở nên đông đủ, náo nhiệt hơn ngày thường bởi có rất nhiều bà con tới dự buổi gặp mặt.

Sau cái bắt tay thật chặt của Bí thư Nguyễn Quang Hưng, như được “mở lòng”, anh Lý A Páo mạnh dạn đứng lên giãi bày: Năm 2016, Huổi Lắp có 20 hộ dân trồng cây keo tai tượng với tổng diện tích 20ha, trong đó 2 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, còn lại 18 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, hầu hết diện tích cây keo này đã đến chu kỳ khai thác song diện tích trên của các hộ gia đình lại chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cá nhân Trưởng bản Páo cũng rất băn khoăn bởi chính gia đình anh cũng đang có gần 1ha cây keo chờ được khai thác theo quy định mà chưa biết đến ngày nào.

Không chỉ Trưởng bản Páo mà bà con Huổi Lắp ai nấy đều mong muốn sớm được khai thác cây keo để chuyển sang trồng cây quế. Tâm tư là vậy song người dân cũng băn khoăn lắm! Nhất là khi cán bộ kiểm lâm Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé lý giải việc này chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều bởi theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì đối tượng được tiến hành khai thác trong trường hợp này phải là chủ rừng. Trong khi đó, chủ rừng phải là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

Nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé 45km, bản Huổi Lắp hiện nay có 62 hộ với 352 nhân khẩn, 100% hộ thuộc diện nghèo, đời sống của người dân còn muôn vàn khó khăn. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình, người dân ở Huổi Lắp đã chủ động ươm và mua giống cây quế, sẵn sàng mùa trồng rừng mới ngay sau khi cây keo được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nhìn vào khung thời vụ gieo trồng thì bà con càng “nóng ruột” hơn bao giờ hết bởi đã cận kề tháng 9 dương lịch, mùa mưa cũng chuẩn bị kết thúc, rất khó có thể triển khai xuống giống cây quế hiệu quả. Trong khi đó, nhiều hộ ở Huổi Lắp đang có hàng trăm, nghìn cây quế giống 1 năm, 2 năm tuổi xếp hàng chờ đến lượt được trồng.

Cùng chung những tâm tư, nguyện vọng như Trưởng bản Páo, anh Giàng A Sình, bản Huổi Lắp chia sẻ: Gia đình anh có 1ha cây keo đã đến tuổi cho thu hoạch song vì vướng giao đất, vướng sổ đỏ mà chưa thể bán cho thương lái. Dù biết hiện nay giá cây keo trên thị trường rất thấp (cây đường kính 40cm có giá 250 nghìn đồng/m3, cây đường kính từ 15 – 20cm có giá 200 nghìn đồng/m3) thì bà con chúng tôi vẫn quyết bán để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả hơn.

Gỡ khó giúp dân

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Trưởng bản và ý kiến của người dân Huổi Lắp, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng chia sẻ với người dân về những khó khăn, vướng mắc thực tế phát sinh tại cơ sở bấy lâu nay. Đồng thời, đề nghị cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có mặt tại buổi họp dân thông tin cụ thể để người dân biết, hiểu về quá trình thực hiện công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với mục đích đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, huyện Mường Nhé đã và đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền xã Quảng Lâm triển khai thực hiện hiệu quả, nhanh chóng các phần việc còn lại.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 21/12/2015 của Huyện ủy Mường Nhé về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn này, huyện Mường Nhé đã triển khai trồng rừng keo tai tượng tại 9/11 xã (trong đó có Quảng Lâm) nhằm nâng tỷ lệ che phủ rừng, thực hiện mục tiêu nghị quyết. Đến nay, nhiều diện tích trồng keo tai tượng đã đến chu kỳ khai thác. Để đảm bảo việc khai thác đúng theo quy định của pháp luật, huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cách xác định chủ sở hữu đối với diện tích rừng trồng sản xuất keo tai tượng. Do diện tích rừng trồng đã được Nhà nước hỗ trợ theo nguồn vốn đầu tư chương trình 30a, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo theo nguồn vốn sự nghiệp chương trình 30a nên diện tích rừng trồng trên thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng.

Để người dân Huổi Lắp hiểu rõ hơn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mường Nhé Lò Văn Tâm cho biết: Ngay sau buổi làm việc hôm nay, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện sẽ cử cán bộ, phối hợp với cán bộ địa chính xã Quảng Lâm, kiểm lâm địa bàn và đơn vị tư vấn của UBND tỉnh xác định diện tích trồng keo có nằm trong quy hoạch 3 loại rừng hay không. Nếu nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thì thực hiện theo thủ tục hướng dẫn của liên ngành; trường hợp không nằm trong quy hoạch trên thì huyện sẽ tiến hành đề nghị cấp đất lần đầu cho người dân. Trước đó, huyện đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, hướng dẫn việc khai thác rừng đối với những diện tích rừng trồng chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời điểm trên, chưa có hướng dẫn khai thác đối với diện tích rừng trồng chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình. Do vậy, Mường Nhé yêu cầu không chỉ Quảng Lâm mà các xã còn lại khẩn trương rà soát, tổng hợp cụ thể, chi tiết, báo cáo huyện (qua phòng Tài nguyên và Môi trường) để triển khai thực hiện giao đất, giao rừng hiệu quả.

Buổi làm việc kết thúc cũng là lúc “nút thắt” trong lòng người dân Huổi Lắp được tháo gỡ hoàn toàn. Bà con đã yên tâm, thấy thỏa đáng khi Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng khẳng định: “Chậm nhất đến ngày 2/9 sẽ hoàn thành việc giao đất cho người dân Huổi Lắp để có đủ cơ sở pháp lý khai thác cây keo”. Sau khi hộ gia đình được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ rừng (hộ gia đình) sẽ thực hiện quy trình khai thác rừng theo quy định của pháp luật.

Thấu hiểu và cảm phục sự tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ khi về với dân, lắng nghe dân, Trưởng bản Lý A Páo và người dân Huổi Lắp ai nấy đều phấn khởi, vui mừng lắm. Từ đây, người dân nghèo ở Huổi Lắp sẽ vững tin và tiếp tục đoàn kết một lòng trồng, bảo vệ và giữ rừng; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả để tăng thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no hơn. 

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top