Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Những ngày tháng không quên

09:49 - Thứ Ba, 09/04/2024 Lượt xem: 3551 In bài viết

ĐBP - Trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, hình ảnh những chiến sĩ “Bộ đội cụ Hồ” sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; những chiến sĩ quân y vượt qua mưa bom bão đạn để cứu chữa bộ đội, thương binh… đã trở thành kứ ức không thể nào quên của chiến sĩ Hà Minh Hiển.

Ký ức hào hùng

Những ngày này, tâm trạng ông Hà Minh Hiển, tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) dâng lên niềm tự hào khó tả. Ký ức về những tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cứ ùa về. Thật may mắn trong chuyến công tác của mình, tôi đã được gặp và nghe ông Hiển kể lại thời gian hào hùng, đầy gian khổ và đoàn kết của quân và dân ta.

71 năm trước, ông Hiển khi ấy mới tròn 14 tuổi, theo tiếng gọi non sông, ông rời xa quê nhà lên đường đi kháng chiến cứu nước. Người thiếu sinh quân năm ấy nhập ngũ vào tháng 10/1953 và được phân công tới Đại đội 23, Tiểu đoàn 955, Trung đoàn 159, Quân khu Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoác trên mình bộ quân phục với nhiều huân huy chương, bên ấm trà nóng, ông Hiển trầm tư kể lại: Tôi nhớ vào ngày 25-1-1954, khi tất cả các chiến sĩ trên toàn mặt trận đã sẵn sàng nổ súng, thì nhận được lệnh hoãn tiến công. Chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đóng quân ngay sát cứ điểm Him Lam. Đây là trận đánh mà tôi nhớ nhất. Ngày 13-3-1954, bộ đội ta nổ súng tiến công Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh gồm 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi sát kề nhau bên đường số 41. Trong trận đánh đó có những đồng đội sáng nay còn gặp, trưa về thì nghe tin đã hy sinh. Khi đó, tôi chỉ biết rằng gặp lại nhau thì biết mình đang còn sống.

Trải qua 3 đợt tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ với nhiều mất mát, hy sinh, nhưng bằng tài năng chỉ huy quân sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự quyết tâm, đồng lòng của toàn quân và dân; sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, đến ngày 7-5-1954, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

Ngậm ngùi khi hồi tưởng quá khứ, thương nhớ những nhân chứng lịch sử giai đoạn đó đã không còn nhiều để chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất lịch sử, ông Hiển rưng rưng nước mắt nói: Để giành được chiến thắng, biết bao đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh, nằm lại tại mảnh đất này… Cũng vì vậy, hình ảnh lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát, khoảnh khắc hàng trăm quân Pháp chui lên giương cờ trắng đầu hàng khiến tôi không bao giờ quên.

“Coi thương binh như người thân”

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hiển vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường vừa thực hiện hỗ trợ lực lượng quân y cấp cứu điều trị thương binh. Trong ký ức của chiến sĩ Hiển khi ấy, chiến tranh ác liệt, chiến sĩ bị thương rất nhiều, có ngày số thương binh được đưa về các trạm quân y lên tới cả nghìn người. Bệnh nhân nhiều như vậy, trong khi lực lượng quân y lúc đó chỉ có mấy chục người. Trong 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, cả ngày lẫn đêm hầu như các chiến sĩ quân y đều không có giấc ngủ nào trọn vẹn, chỉ thỉnh thoảng mới dám ngồi chợp mắt cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục công việc cứu chữa bệnh nhân. Nhằm chia sẻ khối công việc nặng nề mà đội ngũ quân y phải gách vác, ông Hiển đã tham gia cùng với lực lượng dân công hỗ trợ chăm sóc thương binh.

“Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại các đội điều trị đều có hầm hào dựng lán trại để phục vụ cứu chữa cho thương binh được chia thành 3 khu, gồm: Khu trọng thương, khu trung thương và khu khinh thương. Thương binh khi về đến đội điều trị thường vào 1-2 giờ sáng, để ánh sáng không lọt ra ngoài gây lộ địa điểm; chúng tôi đều khẩn trương hỗ trợ quân y kiểm tra chọn lọc, lau rửa vết thương cho thương binh để chuyển nhanh vào hầm thực hiện cứu thương. Hỗ trợ chăm sóc thương binh, tôi tận tay bón những thìa cháo loãng giúp thương binh chống đói, chống mất nước, nhanh chóng hồi phục sức khỏe; túc trực bên cạnh thương binh tại các hàm ếch để động viên, thậm chí nhiều khi phải làm chỗ dựa cho các thương binh bị chấn thương, khó thở… Với mong muốn giúp đỡ được nhiều thương binh hơn, tôi thường xuyên học hỏi từ các bác sĩ quân y kinh nghiệm chăm sóc, chữa trị các thương binh ở mức độ nhẹ. Sau đó, tôi tự tay thay băng, vệ sinh vết thương, cầm máu cho các đồng đội bị thương”, ông Hiển nhớ lại.

Không còn qua những trang sách, thước phim tài liệu lịch sử hay những tác phẩm văn học, chiến thắng Điện Biên Phủ hiện hữu qua ký ức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Trong ngôi nhà của người lính Điện Biên Hà Minh Hiển, những câu thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu lại vang lên, thanh âm của dòng ký ức hào hùng của những chiến sĩ một thời oanh lửa:

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm,

mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng, chí không mòn!”

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng quân y đã cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh. Cùng với sự hỗ trợ của các chiến sĩ, dân công, hàng ngàn thương binh, bệnh binh nhẹ đã được điều trị khỏi trong vòng 10 ngày, trở lại đơn vị chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận.

 

Minh Thảo
Bình luận
Back To Top