Du lịchĐất và người Điện Biên

Mùa con ong đi lấy mật

08:55 - Thứ Năm, 25/03/2021 Lượt xem: 44597 In bài viết

ĐBP - Nếu bạn có ý định đến thăm Ðiện Biên - vùng đất cực Tây của Tổ quốc thì hãy đi vào tháng Ba hoặc tháng Tư nhé! Khi ấy, Ðiện Biên đã qua những tháng ngày rét kéo dài của mùa đông để cho những loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây bắc bắt đầu bung nở trắng rừng. Tất cả nhẹ nhàng tinh khôi như những cô gái người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú đang độ xuân thì!

Một góc rừng sơn tra của gia đình chị Vừ Thị Dua bung nở dưới chân đèo Pha Ðin, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Vũ Lợi

Không rực rỡ như những bông dã quỳ ngày đầu đông, không ồn ào với những trận mưa của ngày hạ, thời điểm này, đất trời Tây Bắc dịu dàng e ấp màu trắng tinh khôi của hoa ban, hoa mơ hoa mận, sơn tra, cà phê phủ kín cả núi đồi như những bông tuyết rơi trái mùa, thoảng hương nhẹ nhàng, khiến lòng người đắm say...

Tôi đến thăm gia đình chị Vừ Thị Dua, bản Hua Sa, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) trong ngày đầu tháng Ba, mặt trời như chạm vào ngọn núi đằng Tây tạo thành những tia vàng xiên qua chóp đồi, rừng sơn tra, cà phê dưới chân đèo Pha Ðin huyền thoại. Ngoài công việc cấy lúa, thời gian còn lại chị Dua dành cả cho vườn sơn tra 1.000 cây đã cho thu hoạch từ vài vụ trước. Chị say mê bên vườn sơn tra giống như những chú ong mải mê đi tìm nhụy trên những bông sơn tra nhỏ li ti trong nắng vàng dịu nhẹ, vừa đủ để sưởi ấm cho vạn vật. Màu trắng và hương thơm của hoa sơn tra làm cho chị quên đi bao nỗi nhọc nhằn. Công việc chăm sóc sơn tra của chị Dua dẫu vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, khi nhìn cây sơn tra phát triển, ra hoa và kết trái. Tôi và chị thong dong dạo trên con đường mòn lọt thỏm giữa ngút ngàn hoa lá. Chị giới thiệu về khu vườn nằm xuyên suốt dưới tán sơn tra, nào là cà phê, sa nhân, dưa mèo... Ðược hít thở không khí trong lành và hương thơm của hoa sơn tra khiến tôi ngây ngất. Ðiều mà ở thành phố đông đúc, tôi không bao giờ cảm nhận được. Sơn tra là nguồn thu nhập thêm của gia đình chị Dua nhưng đối với nhiều hộ nông dân trong khu vực, sơn tra là nguồn thu nhập duy nhất. Mấy năm nay sơn tra được giá, đời sống của người nông dân khá lên nhiều. Chị Vừ Thị Dua tiết lộ rằng, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong các loại sản phẩm đăng ký, ngoài dưa mèo, sa nhân xanh thì sơn tra cũng nằm trong danh mục sản phẩm mà xã Tỏa Tình lựa chọn.

Nằm dưới chân đèo huyền thoại - Pha Ðin, xã Tỏa Tình nắm giữ 80% diện tích sơn tra trên toàn huyện với gần 150ha. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nên tháng Ba nào sơn tra cũng trĩu hoa, tạo quả và cho thu hái vào tháng Chín tháng mười hàng năm. Nhớ những ngày còn đi học, vào thời gian này, tôi lại háo hức rủ bạn bè vào rừng để chụp ảnh với những bông sơn tra trắng muốt, mà có lẽ cái sở thích ấy vẫn còn giữ nguyên tới bây giờ!

Thiếu nữ trong trang phục Mông khoe sắc bên vườn mận tại bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên). Ảnh: C.T.V

Tháng Ba mùa hoa ban nở, là sản phẩm du lịch đặc trưng mà không ai có thể quên khi nhắc đến Ðiện Biên. Nếu như nói hoa anh đào là biểu tượng của đất nước Nhật Bản thì hoa ban là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc. Những cánh hoa mỏng manh phớt hồng thoảng hương thơm dịu dàng những sơn nữ dân tộc Thái. Thời điểm này, hoa ban bung nở trắng cả sườn đồi, khe suối, dọc những tuyến đường, con phố, nơi nào cũng là điểm dừng chân để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Lễ hội hoa ban được tổ chức vào tháng Ba hàng năm được ví như là một cánh cổng lớn mở ra, bắt đầu một mùa du lịch đón chào những du khách đến với Ðiện Biên. Nối tiếp lễ hội hoa ban là hội cầu mưa của người dân tộc Khơ Mú; Tết Té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào, xã Na Sang, huyện Ðiện Biên. Hai lễ hội này thường đươc tổ chức từ 10 - 16/4 hàng năm, cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa hướng tới chào mừng ngày kỷ niệmgiải phóng Ðiện Biên 7/5/1954.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top