Cần thay đổi quan niệm học nghề

08:14 - Thứ Năm, 15/04/2021 Lượt xem: 4303 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020 bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 lao động. Trong đó, chỉ một số ít người đi xuất khẩu lao động còn lại phần lớn lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Hàng năm tỉnh thực hiện đào tạo nghề cho trên 8.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 57%. Ðây là kết quả của việc giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và giải quyết việc làm theo mục tiêu Nghị quyết Ðại hội XIII Ðảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn lao động đi làm việc ngoại tỉnh là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo hoặc khi nhận vào, doanh nghiệp đào tạo tại chỗ trong vài tuần là có thể nhận làm chính thức. Do đó, năng suất, thu nhập của người lao động chưa cao. Thiếu lao động có tay nghề nhưng tỷ lệ học sinh chọn đi học nghề sau tốt nghiệp THCS, THPT vẫn chưa cao.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái với chuyên ngành được đào tạo. Nhiều sinh viên bám trụ ở thành phố, làm công việc mùa vụ, không cần tới tấm bằng đại học. Khi không còn cơ hội tìm việc làm đúng chuyên môn, thậm chí có người phải giấu bằng đại học xin vào làm công nhân, lao động phổ thông trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Ðiều đó cho thấy, việc lựa chọn học đại học chưa phải là giải pháp đảm bảo công việc, nghề nghiệp cho tương lai của học sinh cuối cấp THPT. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” là hệ quả tâm lý “khoa bảng” của phần lớn phụ huynh khi chỉ muốn con em mình “làm thầy” mà không phải “làm thợ”. Cùng với đó là nhiều trường đại học được thành lập và việc tuyển sinh ngày càng theo hướng mở, thoáng nên việc vào đại học đang trở nên dễ dàng. Ðể tuyển đủ sinh viên, nhiều trường đại học lấy điểm đầu vào rất thấp, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp và chất lượng nguồn nhân lực cũng thấp theo. Thực tế nhiều năm nay, những lao động có nghề, được đào tạo dễ có việc làm và thu nhập không hề thấp. Tại các hội chợ việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức cũng như các trang điện tử tuyển dụng lao động cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động được đào tạo, có nghề. Những lao động có tay nghề cao được doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao và nhiều đãi ngộ nhưng vẫn không tuyển đủ lao động. Trong tương lai, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, nhiều doanh nghiệp được thành lập với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại sẽ càng cần nhiều hơn lao động có tay nghề, được đào tạo. Ðây chính là cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, xác định hướng đi cho tương lai của các học sinh cuối cấp. Vì lẽ đó, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cần được các trường học, địa phương triển khai, định hướng cho các em lựa chọn học nghề gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Ðối với học sinh dân tộc thiểu số, địa bàn miền núi biên giới như Ðiện Biên, việc hướng nghiệp giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với chi phí, năng lực và thời gian đào tạo cũng như cơ hội việc làm sau đào tạo nghề. Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đã được các trường học, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện, giúp học sinh sau THCS và THPT đăng ký học nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ngoài mở thêm ngành nghề đào tạo đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và THPT. Vài năm nay, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên đã tổ chức xuống tận các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh giới thiệu, tư vấn ngành nghề, tuyển sinh. Trường còn thực hiện nhiều chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; hỗ trợ học tập, chính sách nội trú cho học sinh khi về trường học. Ðó là những chính sách mở, thông thoáng nhằm thu hút tối đa học sinh đăng ký học nghề. Tuy nhiên, Ðiện Biên là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều gia đình chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề nên tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không tiếp tục học vẫn khá lớn. Do đó các trường nghề cần linh hoạt các mô hình học nghề, đa dạng hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế địa phương vừa thu hút học sinh học nghề vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Cùng với đó, phụ huynh học sinh cũng phải thay đổi tâm lý chuộng “khoa bảng”, định hướng con em mình tham gia học nghề, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động; đến năm 2025, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 88%. Ðể đạt mục tiêu này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, cơ sở đào tạo, nhận thức học sinh gắn với nhu cầu thị trường lao động đối với việc học nghề, giải quyết việc làm.

Việc học nghề đối với học sinh cuối cấp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh là hướng đi đảm bảo việc làm, thu nhập trong tương lai. Vấn đề ở đây là phụ huynh và bản thân học sinh phải thay đổi quan niệm, nhận thức về học nghề. Ðó là học nghề để có việc làm ổn định, thu nhập xứng đáng, phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế bản thân và địa phương. Các trường nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo lao động theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường, yêu cầu của doanh nghiệp để tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo nghề.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top