Mùa tuyển sinh ở vùng cao

06:33 - Thứ Bảy, 04/06/2022 Lượt xem: 5955 In bài viết

ĐBP - Trái ngược với cảnh học sinh, phụ huynh tấp nập “chạy đua”, cạnh tranh giành một suất vào lớp 10 tại các trường công lập ở thành phố, thì ở nhiều trường THPT cấp huyện trong tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng cao, lại là những cuộc “vượt khó” của thầy, cô để tìm trò...

Học sinh Trường THCS Thanh Luông (huyện Điện Biên) tham gia buổi tư vấn tuyển sinh do Trường THPT Phan Đình Giót (TP. Điện Biên Phủ) thực hiện.

Lặn lội tìm trò

Gần đến hạn nhận hồ sơ dự thi vào lớp 10, rà soát không thấy học sinh, cô giáo Mai Thị Kim Huệ (Trường THPT Tuần Giáo) cùng các giáo viên trong nhóm vượt dốc cao, đến bản Mạ Khúa, xã Quài Nưa hỏi thăm nhà em để tìm hiểu. Cô Huệ chia sẻ: “Giàng A Huân là học sinh Trường THCS Quài Nưa, chúng tôi gặp khi đến tư vấn tuyển sinh tại trường em. Huân nhỏ thó, gầy gò so với đám bạn cùng trang lứa. Em học khá và có nguyện vọng thi vào Trường THPT Tuần Giáo. Nhà Huân là hộ nghèo, cả nhà không có nổi chiếc điện thoại để liên lạc. Ngày 25/5 là hết hạn nộp hồ sơ thi vào trường, ngày 24/5 chúng tôi rà soát không thấy hồ sơ của Huân, không có cách nào liên lạc với em. Bởi vậy sáng sớm ngày 25, chúng tôi quyết định tìm đến tận nhà em”.

Chờ đến quá trưa, Huân mới cùng gia đình đi làm về. Thấy thầy cô, mắt em bừng lên mừng vui rồi vội vàng cúi nhìn buồn bã. Mẹ Huân bảo em không đi học nữa, ở nhà làm nương phụ mẹ. “Thấy được Huân vẫn mong muốn đến trường, chúng tôi trò chuyện, vận động phụ huynh cho Huân tham gia dự thi và tiếp tục học lên THPT để trưởng thành hơn, có được định hướng tương lai cho bản thân. Cuối cùng mẹ em cũng đồng ý cho giáo viên giúp em hoàn thiện hồ sơ, kịp nộp về trường trước hạn 16 giờ chiều ngày hôm ấy. Tuy nhiên, có lẽ sát ngày thi tuyển, chúng tôi vẫn phải đến đón em xuống” - cô Huệ cho biết thêm.

Là trường đứng chân tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, nhưng giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót vẫn phải ngược ngàn tìm trò. Một ngày mưa tầm tã đầu tháng 5, tạm gác bảng đen, phấn trắng, cô giáo Bùi Thị Ánh Hào khoác lên mình bộ trang phục “dã chiến”, cùng 3 giáo viên trong tổ tư vấn nhà trường rời thành phố tìm lên xã vùng cao Noong U, huyện Điện Biên Đông. Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố chừng hơn 30km, song vì đi đúng vào ngày mưa gió, nên hành trình phải nhân đôi về cả thời gian và độ khó. Phải mất hơn 2 giờ “đánh vật”, với sự hỗ trợ của người dân bản địa, các thầy cô mới tới nơi.

 “Không dễ dàng để có thể sắp xếp lịch gặp gỡ được đầy đủ học sinh như thế. Bởi còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Chúng tôi phải cân đối mọi điều kiện, từ lịch của trường cơ sở, học sinh, giáo viên… Vậy nên, dẫu biết thời tiết bất lợi, thì kế hoạch cũng không thể dịch chuyển”, cô Hào chia sẻ.

Mặc dù đóng chân trên địa bàn thành phố, song học sinh theo học tại Trường THPT Phan Đình Giót chủ yếu ở các xã vùng cao, địa bàn rộng và khó khăn, như: Mường Lói, Hẹ Muông (huyện Điện Biên); Phình Giàng, Háng Lìa, Tìa Dình, Noong U (huyện Điện Biên Đông)... Năm học tới, Trường THPT Phan Đình Giót được giao tuyển sinh 300 chỉ tiêu, bằng phương thức xét tuyển, bởi vậy nhà trường đã thành lập 6 tổ tuyển sinh, chia theo tuyến và bắt đầu triển khai từ tháng 4.

Bên cạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót còn mang theo những phần quà thiết thực để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Vượt khó chiêu sinh

Do là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nghèo khó, nên việc theo đuổi con “chữ” của học sinh gặp nhiều trắc trở. Dù thầy cô và các trường đã quan tâm động viên hết mực, song nhiều em sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 vẫn “quyết tâm” rời bảng đen, phấn trắng. Do vậy, công tác tuyển sinh vào 10 ở một số địa bàn cũng đặt ra không ít thách thức.

Cho đến giờ, em Lò Thị Nguyệt Nhi, lớp 10A6, Trường THPT Phan Đình Giót (TP. Điện Biên Phủ) vẫn nhớ như in những ngày tháng “chơi vơi” khi vừa kết thúc chương trình học lớp 9. Nhi tâm sự: “Bố bị tai nạn giao thông mất từ khi em còn chưa sinh ra. Mẹ vất vả nuôi em ăn học đến năm 11 tuổi thì cũng bệnh nặng qua đời. Em được cậu mợ nhận về nuôi dưỡng”. Mặc dù vẫn khát khao đến trường, song vì hoàn cảnh khó khăn, con đường học tập của em khi đó đứng trước nguy cơ dừng lại. Cô Nguyễn Thị Hà, khi đó được giao nhiệm vụ tuyển sinh tại Trường THCS Thanh Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) - nơi Nhi theo học kể lại: “Ngày chúng tôi về trường Nhi để tuyển sinh thì em không có mặt. Khi nghe cô giáo chủ nhiệm tâm sự về hoàn cảnh của em, chúng tôi đã quyết định tìm đến tận nhà, động viên, khuyên nhủ em và gia đình cố gắng theo học tiếp. Không chỉ giúp gia đình hiểu về những quyền lợi em được hưởng, chúng tôi còn cam kết sẽ tìm nguồn hỗ trợ kinh phí học tập cho em. Lúc ấy gia đình mới đồng ý. Với sự đồng hành của nhà trường, Nhi không chỉ tiếp nối con đường học tập mà năm học này còn đạt học sinh giỏi. Và chính em lại trở thành một “tư vấn viên” đắc lực để hỗ trợ các thế hệ đàn em ở địa bàn trong việc lựa chọn trường, hướng đi phù hợp”.

Quan tâm tới từng trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; sẻ chia, tận tâm với từng học trò tương lai của mình; chủ động xây dựng sớm kế hoạch tuyển sinh và thực hiện nghiêm túc, chu đáo, đến từng địa bàn dù xa xôi, cách trở... Mỗi trường, mỗi địa bàn có cách làm khác nhau để thu hút học sinh, tạo thêm cơ hội cho các em đến trường, nhưng đều chung phương châm “thầy không ngại đường xa chỉ cần trò ra lớp”. Trường THPT huyện Mường Nhé có địa bàn tuyển sinh rộng nên nhà trường bố trí 11 tổ tư vấn. Mỗi tổ được giao phụ trách 1 xã trên địa bàn. Vì 100% xã đều thuộc biên giới, giao thông đi lại nhiều khó khăn, dịp tuyển sinh lại bước vào mùa mưa nên nỗi vất vả của giáo viên lại nhân đôi. Theo thầy Phạm Văn Hạ, Hiệu trưởng nhà trường thì công tác này chia làm 2 giai đoạn. Ban đầu đến các trường THCS trên địa bàn để giới thiệu, tư vấn và rà soát, nắm bắt sơ bộ nhu cầu của học sinh. Tiếp sau là thu nhận hồ sơ -  giai đoạn này đối mặt với nhiều thách thức mang tính vùng miền. Thầy Hạ chia sẻ: “Giáo viên phải đến trực tiếp tận nhà học sinh để vận động, thu nhận hồ sơ. Trong khi đó lại đúng vào thời gian cao điểm mùa mưa, đường trơn trượt, nhiều điểm thường xuyên xảy ra sạt lở hết sức nguy hiểm. Chỉ tiêu năm nay của nhà trường là 380 học sinh. Đây không phải là con số quá cao và mấy năm gần đây việc tuyển sinh của trường đều vượt chỉ tiêu giao. Song để có được kết quả đó thì giáo viên phải hết sức vất vả”.

Công tác tuyển sinh vùng cao vốn đã khó, nay Trường THPT Tuần Giáo thực hiện phương thức thi tuyển vào lớp 10 lại càng khó hơn khi nhiều em có tâm lý “sợ thi”. Có những em là học khá/giỏi, ban đầu lựa chọn Nhà trường nhưng thấy thi tuyển lại định đổi ý. Thầy cô vừa tư vấn tuyển sinh, vừa phải tìm hiểu thế mạnh từng học sinh, để động viên, khích lệ, giúp các em định hướng học tập. Bởi vậy, từ cuối tháng 4, Nhà trường đã phân công các nhóm giáo viên phụ trách từng địa bàn, xuống các trường THCS khảo sát xu hướng học của học sinh. Đầu tháng 5, đi từng trường làm công tác tư vấn tuyển sinh, lên danh sách các em có nguyện vọng vào trường. Đển khi tổng kết năm học, thầy cô lại vào thu hồ sơ ngay tại trường THCS, giúp học sinh không mất công đi lại. Gần đến hạn nộp, học sinh trước đó mong muốn được thi tuyển vào trường nhưng chưa nộp hồ sơ thì giáo viên tận tình đến tận nhà tìm hiểu, hỗ trợ.

Bước vào mùa mưa, những con đường lên các bản vùng cao Điện Biên thêm nhiều thử thách. Nhờ những chuyến “ngược ngàn” chiêu sinh, tìm trò vất vả, gian khó ấy mà nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội theo đuổi con chữ, thực hiện ước mơ.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top