Nỗ lực xây dựng xã hội học tập để phát triển bền vững

09:05 - Thứ Năm, 29/09/2022 Lượt xem: 6949 In bài viết

ĐBP - Xác định xây dựng xã hội học tập là một chủ trương, công việc lớn, quan trọng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, vì thế nhiều năm qua tỉnh ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đến năm 2020”. Bước vào giai đoạn mới, để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, đáp ứng xu hướng phát triển giáo dục mở, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp; điều chỉnh phương pháp; thay đổi từ nhận thức đến hành động nhân dân…

Học sinh chọn sách tại Siêu thị Sách giáo dục - Thiết bị trường học, TP. Điện Biên Phủ.

Học tập suốt đời nay đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của mọi quốc gia; việc đổi mới giáo dục theo hướng mở không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nhà trường mà cần sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tại tỉnh ta, thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 579/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên, Quyết định 448/QĐ-KHVN, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh đã nghiêm túc triển khai nội dung đến các cơ quan, đơn vị và hội viên trong toàn tỉnh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc tổ chức triển khai và xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, từ đó xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Cùng với đó, HKH các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào học tập suốt đời. Động viên, khuyến khích xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Giai đoạn 2014 - 2015, tỉnh ta đã lựa chọn huyện Điện Biên triển khai thí điểm cấp huyện, năm 2014 triển khai thí điểm tại 3 xã (Thanh Chăn, Mường Nhà, Mường Phăng); năm 2015 triển khai trong 22 xã còn lại. Tổng số hộ gia đình thí điểm là 26.718, dòng họ là 1.743 và 464 cộng đồng. Đối với các huyện, thị, thành phố còn lại, mỗi đơn vị chọn một xã làm thí điểm, mỗi xã phường thị trấn chọn 2 thôn bản và 2 dòng họ làm thí điểm. Mỗi thôn bản tổ dân phố chọn 5 gia đình làm thí điểm. Tổng cộng có 316 gia đình, 18 dòng họ, 18 cộng đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, triển khai đại trà xây dựng các mô hình học tập.

Theo đánh giá, đến năm 2021 thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 86.701/140.877 hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 571/1.065 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 882/1.284 tổ dân phố bản đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”... Có thể khẳng định, phong trào học tập suốt đời gắn với việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, từ các mô hình học tập được triển khai, nhân rộng đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình sinh kế, sản xuất bền vững; phổ biến giáo dục pháp luật, bảo vệ môi trường sống; củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Chưa tạo được phong trào sâu rộng ở một số xã vùng sâu vùng khó khăn, tỷ lệ đạt các tiêu chí theo quy định chưa cao. Việc đánh giá, xếp loại mô hình học tập cuối năm có nơi còn chung chung, chưa đồng đều giữa các địa phương, chưa thật sát giữa tiêu chí công nhận và kết quả thực tế. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, khoảng cách xa nhau, đi lại khó khăn dẫn tới việc vận động, tuyên truyền, tổ chức trao đổi về nhu cầu và nội dung học tập giữa các thành viên trong dòng họ, cộng đồng chưa thường xuyên…

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch và đề ra những giải pháp căn cơ, toàn diện nhằm thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”. Cụ thể, triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập phù hợp với các phương thức học tập suốt đời trong điều kiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận hoặc tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp người lao động trong các thành phần kinh tế. Đồng thời, HKH tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển nguồn lực thông tin, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng và phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trong cộng đồng. Phát động phong trào thi đua, tổ chức cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, gắn kết với phong trào xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh… Qua đó góp phần tạo cơ hội và điều kiện cho người dân trong việc học tập và giúp mọi người nâng cao ý thức vươn lên trong học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top