Thủy sản sông Đà

Khai thác phải song hành với bảo vệ

08:51 - Thứ Sáu, 24/06/2016 Lượt xem: 4052 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa có lợi thế về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khi gần như toàn bộ phía đông của huyện giáp với sông Đà. Đặc biệt, từ khi Thủy điện Sơn La đóng đập tích nước, diện tích lòng hồ sông Đà mở rộng, đồng thời cũng mở cơ hội cho đồng bào Thái, Dao phát triển kinh tế từ thủy sản.

Sau 4 năm kể từ khi phiên chợ sông Huổi Só, thuộc bản tái định cư Huổi Lóng, xã Huổi Só chính thức mở (tháng 12/2012), những tiềm năng, lợi thế lòng hồ sông Đà mang lại cho Tủa Chùa đã được ghi nhận. Và cũng đến lúc chính quyền, người dân nơi đây cần có những giải pháp khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững.

Thị trấn Tủa Chùa sáng tháng 6, không chỉ tại khu vực chợ trung tâm mà ven đường gần UBND huyện, chúng tôi dễ dàng gặp những xe bán cá di động. Theo quan sát của tôi, không hiếm những con cá chép, cá chiên nặng 7 - 8kg đang quẫy nước trong chiếc lồng lớn. Hỏi giá thì chị bán hàng cho biết: Giá bán cá chiên to là 120.000 đồng/kg, chép thì thấp hơn một chút. Mùa này đang rẻ đấy, chứ nước dâng, muốn mua cũng không có đâu! Nói rồi chị chỉ cho tôi 2 con cá màu vàng nhạt to chưa đầy 3 ngón tay trong chậu, bảo: Đây cũng là cá chiên nhưng còn nhỏ nên chưa sẫm da, chú lấy đi, chị để rẻ cho! Tôi hỏi: Sao không để to rồi bán có phải được giá không? Chị cười: Chị có nuôi hay trực tiếp đánh được đâu, chỉ lấy buôn thôi. Ngư dân bây giờ họ đánh bắt cá bằng nhiều cách lắm, như đánh bằng điện, “thượng vàng, hạ cám” bắt hết, chứ có thả lại sông thì nó cũng chẳng sống nổi!

 

Người dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa đánh bắt thủy sản trên sông Đà. Ảnh: P.V

Từ lời chị bán cá ở thị trấn Tủa Chùa, chúng tôi ngược dòng Đà giang từ bản tái định cư Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng, mực nước lòng hồ sông Đà thời điểm này xuống thấp nhất trong năm theo lịch xả nước của Thủy điện Sơn La, đây cũng là thời điểm những hoạt động khai thác thủy sản của người dân ven sông trở nên sôi động. Ông Sặn Văn Phú, người làm dịch vụ vận tải đường sông, cho biết: Hoạt động đánh bắt của ngư dân trên sông Đà nơi đây chủ yếu diễn ra vào ban đêm và gần sáng. Nguồn thủy sản đánh bắt chủ yếu cung cấp cho những thuyền buôn lớn đến từ tỉnh Sơn La, thậm chí từ Phú Thọ, Hà Nội lên, còn lại lái buôn mang ra thị trấn Tủa Chùa bán. Nước cạn nên ngư dân tranh thủ khai thác tần suất cao trong đêm, ban ngày họ thường đi tận thu củi khô trên sông.

Trao đổi với chúng tôi về hoạt động khai thác thủy sản từ lòng hồ sông Đà trên địa bàn, ông Lý Thanh Dôn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Huổi Só chia sẻ: Những năm qua, đời sống của nhân dân trên địa bàn được cải thiện đáng kể, nhất là những hộ phát triển kinh tế gia đình từ khai thác thủy sản. Nhiều nhà đã sắm được thuyền lớn, các phương tiện đánh bắt cũng ngày càng hiện đại, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó, đặc biệt là tình trạng khai thác thủy sản theo cách “tận diệt”. Theo tôi biết, có không ít hộ đánh bắt thủy sản bằng bẫy điện, lưới điện. Đây là cách khai thác rất có hại, thủy sản sẽ bị tiêu diệt từ trong trứng nước và nếu không sớm có những biện pháp bảo vệ, ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa, cá sông Đà sẽ hết. Mặc dù, chính quyền địa phương đã can thiệp nhưng cũng chỉ là hình thức tuyên truyền, lực lượng tham gia mỏng, không chuyên trách, ngư dân lại đánh bắt trong đêm nên việc ngăn chặn chưa mang lại hiệu quả. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu HĐND tỉnh gần đây do đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, thay mặt cử tri trên địa bàn, tôi đã có kiến nghị đối với đoàn công tác về vấn đề này. Không lâu sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, xã thuộc lưu vực sông Đà, lực lượng vũ trang tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các hình thức đánh bắt mang tính chất tận diệt như: đánh thuốc nổ, kích điện, lưới điện… Tuy nhiên, đến nay, xã vẫn chưa có đội ngũ chuyên trách về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng chưa có những chế tài cụ thể để xử lý những trường hợp vi phạm.  

Năm 2016, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở huyện Tủa Chùa là 38,5ha (tăng 2,8ha so với năm 2015). Tổng sản lượng thủy sản đạt 18,1 tấn, trong đó: sản lượng khai thác đạt 8,3 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 9,8 tấn. Tuy nhiên, trong kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, lĩnh vực thủy sản chỉ nêu những nội dung: “Khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tại những diện tích có điều kiện phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng; tăng cường các biện pháp bảo vệ diện tích ao, hồ nuôi cá trong mùa mưa năm 2016 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra”... mà không thấy nói đến vấn đề bảo vệ thủy sản sông Đà. Thiết nghĩ, UBND huyện Tủa Chùa và các cơ quan chuyên môn của huyện cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông Đà, nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững cho người dân vùng lòng hồ thủy điện.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top