Nậm Tin làm ruộng trên đồi

08:46 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 3690 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, phong trào khai hoang ruộng nước trên địa bàn xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ được nhân dân hưởng ứng và thực hiện tích cực. Những thửa ruộng mới khai hoang đưa vào trồng lúa nước không chỉ đem lại sự no ấm cho đồng bào các dân tộc nơi đây mà còn góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Những ngày qua, khi đến trụ sở UBND xã Nậm Tin, có rất đông người dân xếp hàng trước cửa phòng làm việc của cán bộ địa chính xã, gương mặt ai nấy đều phấn khởi, háo hức. Cầm số tiền gần 8 triệu đồng trên tay tương đương với diện tích gia đình khai hoang được hơn 5.000m2, anh Thào A Chu, bản Nậm Tin 3, xã Nậm Tin phấn khởi cho biết: “Mình tự hào lắm, vì từ công sức lao động, cải tạo của gia đình mà nay đã có thêm ruộng nước canh tác. Giờ có ruộng rồi thì không phải lo đói nữa”. Quanh sườn đồi này, ngoài gia đình anh Chu còn có hộ anh Hờ A Gáo, Hạng A Hùa, Thào A Lồng... (cùng bản) cũng khai hoang ruộng nước. Anh Hờ A Gáo nói: “Trước đây, gia đình mình chỉ canh tác lúa nương, hiệu quả kinh tế thấp, năm nào cũng thiếu ăn. Nhờ có cán bộ tuyên truyền cùng với hỗ trợ của Nhà nước, mấy năm nay, gia đình đã huy động nhân công khai hoang ruộng nước. Năm ngoái, gia đình mình đã khai hoang gần 1.000m2, nâng tổng diện tích ruộng nước lên hơn 4.000m2, mỗi vụ thu trên 2 tấn thóc, không còn phải nhận gạo cứu đói của Nhà nước nữa”.

 

Những thửa ruộng được người dân bản Nậm Tin 3 khai hoang năm 2012 (ảnh chụp tháng 8/2014).

Đi đầu trong phong trào khai hoang ruộng nước ở xã Nậm Tin phải kể đến ông Vàng A Phừ, bản Vàng Lếch, xã Nậm Tin. Khi nghe cán bộ nông nghiệp huyện Nậm Pồ có chủ trương động viên người dân tự khai hoang ruộng bậc thang để sản xuất lúa bền vững, ông Phừ nhiều đêm suy nghĩ và quyết tâm làm trước để “làng nước theo sau”. Ông Phừ đem dao, cuốc mở đường đi tìm con suối đầu nguồn để dẫn nước về. Sau đó chọn quả đồi gần nhà để bạt xuống, di dời những tảng đá lớn đi nơi khác, san đất bằng phẳng và chia ra từng tầng nấc theo độ cao. Khi đã be bờ tạo nên những khoảnh ruộng, ông Phừ mua ống dẫn nước từ suối đầu nguồn đến ruộng. Hiện nay gia đình ông Phừ đã có gần 8.000m2 lúa nước. Hàng năm gia đình ông vẫn tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích, đồng thời giúp đỡ nhiều hộ dân trong bản ngày công khai hoang ruộng.

Anh Giàng A Khứ, cán bộ địa chính xã Nậm Tin khẳng định: “Việc khai hoang ruộng nước được người dân trong xã quan tâm, thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, trước kia do chưa có cơ chế hỗ trợ, chưa có các phương tiện máy móc nên bà con chỉ thực hiện theo hướng tự phát, diện tích nhỏ lẻ. Gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước nên phong trào này phát triển mạnh. Từ đó, diện tích lúa nước trên địa bàn xã ngày một tăng, đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa toàn xã hàng năm, cơ bản đảm bảo lương thực cho bà con”. Tuy nhiên, do địa hình của xã chủ yếu là đồi núi, chia cắt, hiểm trở gây khó khăn trong xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Vì vậy, người dân phải tự đào mương, làm đường ống dẫn nước về phục vụ sản xuất. Do thiếu nước, nhiều diện tích ruộng ở Nậm Tin mới sản xuất được một vụ, nhiều diện tích lúa nương có thể chuyển đổi sang trồng lúa nước nếu có đủ nước. Do vậy, người dân nơi đây mong Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình thủy lợi, để có thêm cơ hội mở rộng diện tích trồng lúa nước.

Cú hích từ chính sách

Thụ hưởng Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn xã Nậm Tin, người dân đã được hưởng lợi nhiều nhất trong việc hỗ trợ sản xuất. Mỗi héc ta ruộng khai hoang, người dân được hỗ trợ 15 triệu đồng. Nhận biết được lợi ích của việc khai hoang ruộng nước vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho gia đình lại được Nhà nước hỗ trợ nên bà con rất tích cực khai hoang. Ông Khoàng Văn Quán, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin cho biết: Nậm Tin là địa phương có diện tích ruộng lúa nước rất ít, do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi. Thế nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân, Nậm Tin đã mở rộng dần diện tích ruộng lúa nước nhờ chủ trương đẩy mạnh khai hoang. Trong 3 năm gần đây, từ 2014 đến nay, toàn xã đã có hàng trăm lượt hộ được hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hoá theo Nghị quyết 30a với tổng diện tích thực hiện gần 150ha. Như vậy, tính từ thời điểm chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hoá theo Nghị quyết 30a triển khai, xã Nậm Tin đã có thêm gần 150ha lúa nước. Bên cạnh đó, cũng đã có hàng trăm lượt hộ dân được hỗ trợ tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Con số trên thực sự mang nhiều ý nghĩa đối với một xã thuần nông nhưng ít đất sản xuất nông nghiệp như Nậm Tin. Điều này sẽ giúp người dân xã Nậm Tin đảm bảo an ninh lương thực và là một trong những giải pháp góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nậm Tin. Cũng theo ông Quán, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn bà con khai hoang ruộng nước. Tuy nhiên, xã cũng khuyến cáo bà con những diện tích có khả năng khai hoang làm ruộng nước và có đủ nước ít nhất 1 vụ thì mới khai hoang làm ruộng, tránh tình trạng khai hoang rồi lại bỏ hoang vì thiếu nước.

Về vùng cao Nậm Tin, những cánh đồng ruộng nước bậc thang uốn quanh sườn đồi thoai thoải đã để lại nhiều dấu ấn đẹp về sự đổi mới này. Người dân sản xuất lúa nước rất chuyên nghiệp: Làm đất, cày ải, tháo nước, bón lót bằng phân chuồng trước khi gieo cấy. Dẫu cảnh làm ruộng vẫn “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nhưng việc sản xuất lúa nước trên non đã ngày càng bền vững hơn nhờ vào khai hoang ruộng bậc thang.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top