Nông dân vẫn mất ăn, mất ngủ khi cà phê được mùa

10:28 - Thứ Sáu, 22/09/2017 Lượt xem: 8227 In bài viết
ĐBP - Không khí ảm đạm bao trùm không gian ngôi nhà tạm dựng lọt thỏm giữa vườn cà phê rộng mênh mông của gia đình anh Đào Quý Dương. Trong căn phòng nhỏ, 5,6 người đàn ông trung niên ngồi quanh ấm trà, giữa những bao cà phê đầu vụ vứt chỏng chơ quanh vách. Từ cuối vụ cà phê năm ngoái tới nay tôi mới có dịp gặp lại những “ông chủ” nông dân cà phê ở Mường Ảng; nhưng khác hẳn với không khí được mùa dự đoán gấp 3 lần năm ngoái, họ vẫn đang méo mặt đi tìm giá trị cho những hạt cà phê vốn đã “tặng” họ nhiều giông tố...

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, toàn huyện có 3.309ha cà phê; trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2017 trồng mới 55ha. Cây cà phê Arabica luôn được chính quyền địa phương xác định là cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện sẽ trồng 4.200ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều “chuyên gia” thì diện tích đất ở Mường Ảng phù hợp để trồng cà phê hiệu quả đã được khai thác hết. Hiện nay trong số 3.309ha cũng có rất nhiều diện tích không phát huy năng suất hoặc bị bỏ hoang...

 

Dây chuyền chế biến cà phê của Công ty TNHH Hải An sau gần 2 năm đi vào hoạt động, đến nay chỉ hoạt động được 5% công suất do chưa tìm được thị trường tiêu thụ cà phê thành phẩm.

Nhiều năm gần đây, cây cà phê Mường Ảng không phát huy được giá trị kinh tế như người ta vẫn mong đợi, người trồng cà phê sống chật vật vì giá quá thấp, không bù được chi phí sản xuất. Năm nay cũng không ngoại lệ, những vườn cà phê trĩu quả do thời tiết thuận lợi, nhưng giá trị kinh tế thì vẫn không mấy khả quan khi mà hiện nay các công ty và tư thương đang chỉ thu mua với giá trên dưới 6 nghìn đồng/kg cà phê quả tươi. Trong khi đó giá cùng thời điểm của năm 2016 là 10 - 12 nghìn đồng. Thời điểm này, nhiều cây đã chín đỏ nhưng người ta chưa thu hái, bởi giá thuê hái nhiều khi được ví như “giá mua vào” đem so với giá bán chả bõ bèn gì.

Thị trường cà phê Mường Ảng hiện nay chủ yếu do 2 công ty lớn thu mua, nên giá cả phụ thuộc vào 2 công ty này. Năm nay, sản lượng cà phê được cho là “bội thu” nên đầu vụ sức mua của công ty vẫn còn... đủng đỉnh. Trong khi đó, cà phê đã hái về mà không sơ chế được thì chỉ 3 ngày sau là hỏng, vậy thì để ngoài cây không thu cũng hỏng, nhưng không mất thêm 2.500 đồng/kg tiền thu hái. Nhiều hộ có điều kiện thì thu hoạch về chế biến để đấy đợi giá tăng...

Câu chuyện về cây cà phê Mường Ảng vẫn luôn đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với các cấp chính quyền. Bài toán về giá trị của nó nhiều năm nay còn chưa có lời giải thì lại có thông tin nhiều nơi (miền Trung, Tây Nguyên) đã chặt bỏ cây cà phê Arabica do đầu tư lớn mà hiệu quả kinh tế lại thấp để thay thế bằng cây trồng khác. Liệu đó có phải một tín hiệu vui cho người dân Mường Ảng khi “sản phẩm đang dần trở thành độc quyền”, hay chỉ đơn giản là dấu hiệu báo trước cho một thời kỳ chưa kịp cực thịnh thì đã bắt đầu suy của cây cà phê Arabica? Cũng trong một lần trò chuyện cùng người dân trồng cà phê tại xã Ẳng Nưa tôi đã được nghe nhiều ý kiến cho rằng: Nếu trong vài năm tới đầu ra cho cây cà phê vẫn không có gì bảo đảm thì chúng tôi sẽ chặt bỏ để trồng ngô, trồng sắn... Không bán được thì còn dùng để chăn nuôi chứ trồng cà phê không bán được thì cũng chẳng có con gì ăn được!

Không thể phủ nhận về vai trò của cây cà phê trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở Mường Ảng trong vòng 20 năm qua, tuy nhiên giá trị mà nó đem lại chủ yếu là tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo tính toán của ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội Cà phê Mường Ảng thì cây cà phê mang lại cho người dân lao động trong huyện là rất lớn, thậm chí không một chương trình nào của Nhà nước sánh được, đó là tạo nguồn công ăn việc làm ổn định mỗi năm trên dưới 100 tỷ đồng! Đấy là với người lao động, còn đối với những “ông chủ” cà phê thì vẫn luôn mất ăn mất ngủ mỗi khi đến mùa thu hoạch, cho dù được mùa hay được giá. Vấn đề sống còn của cây cà phê Mường Ảng hiện nay vẫn là phương án đầu ra tương xứng với giá trị của nó. Trong khi chính quyền đã quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển diện tích cây cà phê thì phương án này lại chưa có vẻ gì đảm bảo. Do vậy mà nhiều người dân vẫn luôn lo lắng và đặt câu hỏi: Cây cà phê Mường Ảng có thực sự là thế mạnh của địa phương và đến bao giờ mới trở thành “mũi nhọn”?

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top