Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi

13:27 - Thứ Sáu, 17/09/2021 Lượt xem: 3603 In bài viết

ĐBP - Ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong 8 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, thủy sản, nhờ đó đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh tạo thuận lợi cho chăn  nuôi phát triển. Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 99 xã của 29 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 373 nghìn con gia cầm. Có 3 chủng vi rút lưu hành, gồm: A/H5N1, A/H5N6 và cúm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 23.400 con gia cầm. Hiện nay, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Cao Bằng và 1 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Lạng Sơn chưa qua 21 ngày. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 93.200 con lợn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Bệnh lở mồm long móng cũng đã xảy ra tại 86 xã của 18 tỉnh, thành phố trên cả nước, số gia súc phải tiêu hủy là 340 con. Từ đầu năm đến nay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 16.253ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định của cơ quan chuyên môn: Nguy cơ các loại dịch bệnh trên vật nuôi xảy ra vào các tháng cuối năm là rất cao do tổng đàn gia súc gia cầm và diện tích nuôi trồng thủy sản lớn; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao. Các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng; trong đó các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường lây lan nhanh, rộng; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, thời tiết biến động bất lợi… Vì vậy trong thời gian tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch bệnh Covid-19), Cục Thú y đề nghị các địa phương quan tâm, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cạn và thủy sản, như: bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc tối thiểu đạt 80%; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; hướng dẫn chủ nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh sát trùng, tiêu độc. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, nhập lậu qua biên giới. Các cơ quan thú y, thủy sản của các địa phương căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2021.

Tin, ảnh: Mai Khôi
Bình luận
Back To Top