Kinh tếMôi trường rừng

Vướng mắc trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:54 - Thứ Hai, 24/01/2022 Lượt xem: 1764 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế, nhất là nâng cao năng lực, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tuy nhiên sau khi tỉnh ta tiến hành sắp xếp, chia tách, sáp nhập thôn, bản nên có nhiều sự thay đổi về chủ rừng, diện tích rừng giao khoán khiến công tác chi trả DVMTR gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, hiện nay toàn tỉnh còn 725 chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản và 900 chủ rừng chưa đủ điều kiện chi trả. Tổng số tiền đang còn “treo” tại quỹ chưa thể chi trả cho chủ rừng là trên 15,6 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã cử cán bộ kỹ thuật phụ trách từng địa bàn tiến hành kiểm tra, đối chiếu diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR cho các chủ rừng. Quà rà soát, kiểm tra trên bản đồ với các quyết định giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, thị trấn vẫn còn một số bất cập như: Sai khác thông tin tên chủ rừng; tiểu khu, khoảnh, lô, diện tích, trạng thái rừng giữa quyết định giao đất, giao rừng với bản đồ giao đất, giao rừng; các chủ rừng sáp nhập, đổi tên; bản đồ giao đất, giao rừng không có xác nhận của UBND huyện, xã, phòng Tài nguyên và Môi trường và đại diện chủ rừng. Để có cơ sở tạm ứng, thanh toán tiền chi trả DVMTR năm 2020 và các năm tiếp theo cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, Quỹ đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa những thiếu sót trên. Đối với các chủ rừng đủ điều kiện chi trả nhưng chưa mở tài khoản, thời gian tới Quỹ sẽ tổ chức chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, đồng thời hướng dẫn các chủ rừng mở tài khoản để thuận tiện trong việc chi trả những năm tiếp theo. Đối với các chủ rừng chưa đủ điều kiện chi trả, năm nay Quỹ sẽ tổ chức làm việc với từng địa phương, cử cán bộ xuống cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng chủ rừng.

Huyện Tuần Giáo có 43 chủ rừng có diện tích rừng sai khác giữa quyết định giao đất giao rừng với bản đồ giao đất, giao rừng và 34 chủ rừng sai khác về tên chủ rừng do sự sáp nhập, đổi tên theo quyết định của UBND tỉnh.

Ông Lò Văn Tiên, chủ rừng bản Có, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) cho biết: Trên bản đồ giao đất giao rừng, diện tích rừng giao cho gia đình tôi thuộc lô số 3, khoảnh 3, tiểu khu 646 với diện tích 0,656ha. Tuy nhiên, trong quyết định giao đất giao rừng của UBND huyện, diện tích rừng của gia đình tôi lại thuộc lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 646 với diện tích 0,487ha. Đối chiếu thông tin lô, khoảnh, diện tích không khớp nhau nên năm qua diện tích rừng của tôi chưa đủ điều kiện để thanh toán tiền DVMTR. Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những sai sót, sai lệch thông tin về diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ để gia đình tôi sớm nhận được tiền DVMTR.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát và văn bản đề nghị của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích rừng, chủ rừng có sự khai khác về thông tin khiến công tác chi trả tiền DVMTR gặp khó khăn. Bên cạnh đó Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã cử 2 cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn cho từng chủ rừng. Đối với các chủ rừng có sự chia tách, sáp nhập dẫn đến sự thiếu thống nhất về diện tích rừng giữa các cộng đồng, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chính quyền cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để sớm thống nhất phương án phân chia, bảo vệ và hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Huyện phấn đấu giải quyết nhanh nhất để các cộng đồng sớm được chi trả tiền DVMTR, góp phần tăng thu nhập và tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top