Kiên quyết, khôn khéo trong đấu tranh, xử lý tội phạm

14:29 - Thứ Tư, 31/08/2022 Lượt xem: 4103 In bài viết

Nhận diện tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng vốn thường gắn với các “nhóm lợi ích”, nhất là tình trạng “sân sau”, “sở hữu chéo”, thâu tóm, lũng đoạn các lĩnh vực “rường cột” của đất nước; các đường dây tội phạm có quy mô lớn, “ăn sâu” vào nội bộ để “bảo kê” hoạt động, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, lực lượng phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu nhanh chóng chuyển hướng đấu tranh, đổi mới công tác nghiệp vụ.

Lãnh đạo Bộ Công an phát biểu ý kiến tại Hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 8 tại Đảng ủy Công an Trung ương.

Chỉ trong 10 năm trở lại đây, hàng trăm nghìn vụ án đã được xác lập, trong đó hơn 16 nghìn vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; hơn 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ... Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an xác định tinh thần đấu tranh là luôn kiên quyết, kiên trì. Việc xác lập đấu tranh, khám phá án có tính chất điển hình, nhằm đánh một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, nhanh chóng tạo tác động trực tiếp, tích cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội.

Qua các vụ án, chuyên án ghi dấu ấn, lực lượng công an đã tham mưu xử lý các “nhóm lợi ích”, “sở hữu chéo”, xử lý các tập đoàn, lĩnh vực yếu kém, hoạt động “trên pháp luật”, “ngoài pháp luật”. Nhiều lĩnh vực thiết yếu như: y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai... được chấn chỉnh kịp thời, dư luận xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong phòng, chống tội phạm, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định phòng ngừa là chính, kết hợp với chủ động, tích cực đấu tranh. Ngành Công an cũng đặt ra mục tiêu: “Kiên quyết làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội”.

Đây là quan điểm nhân văn, đề cao vấn đề “an ninh con người” được chú trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, nắm chắc địa bàn, lĩnh vực, nhận diện đúng “địch-ta” luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh với tranh thủ, tác động, cảm hóa, thu phục để kẻ địch (đối tượng) nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng điều tra sẽ quyết định thắng lợi.

Trong đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, khi xác định đúng đối tượng đấu tranh, phải chủ động, bản lĩnh xử lý, thu thập đầy đủ chứng cứ, khám phá tội phạm toàn diện, điều tra sâu, xác minh kỹ, kết luận nhanh chóng, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đó chính là kiên quyết. Để đạt được mục tiêu đó, phải chớp thời cơ, xác định thời điểm đột phá, khâu đột phá, đối tượng đột phá, để xử lý một người, một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, giúp người dân, cán bộ, đảng viên “biết sợ” “không dám” phạm tội và vi phạm pháp luật. Đó chính là “nghệ thuật khôn khéo”.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa “kiên quyết” và “khôn khéo”, vai trò lãnh đạo chỉ huy là đặc biệt quan trọng. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an chia sẻ: “Người chỉ huy phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; kết hợp nhuần nhuyễn, sử dụng tốt mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, giữa sử dụng con người với biện pháp, phương tiện kỹ thuật; kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp bí mật và công khai trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ pháp luật, tạo chỗ dựa và niềm tin vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ trong tấn công trấn áp tội phạm…”.

Đấu tranh xử lý tội phạm phải gắn liền với hoàn thiện chính sách, pháp luật để vừa ngăn chặn các điều kiện phát sinh tội phạm, vừa có hành lang pháp lý an toàn giúp người tốt tránh lo sợ rủi ro, bảo vệ các cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, cống hiến và dám đấu tranh. Như vậy, trên hết và trước hết là xây dựng, tôi rèn bằng được lực lượng bảo vệ pháp luật là những “thành trì vững chắc”, tuyệt đối không để kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, tấn công. Bởi vì, chính trong mối quan hệ với kẻ địch, mới thể hiện rõ nhất bản chất, bản lĩnh, đạo đức, trình độ, năng lực của những người đánh địch.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top