Điều chỉnh là phù hợp

08:28 - Thứ Năm, 06/04/2023 Lượt xem: 44777 In bài viết

ĐBP - Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 (ngày 29/3), Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị... nghiên cứu kịch bản để điều chỉnh tốc độ tăng tưởng kinh tế (GRDP) các quý còn lại trong năm để năm 2023 đạt trên 10%.

Thông tin này được nhiều đại biểu dự họp cũng như người dân quan tâm. Tại sao mới hết quý I/2023 tỉnh đã quyết định điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế? Phải chăng, khi xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2023 chúng ta chưa phân tích, tính toán, lượng hoá hết những thuận lợi, khó khăn theo đặc thù của tỉnh?...

Thực tế, việc “chốt” con số tăng trưởng GRDP hàng năm đã được xây dựng dựa trên các căn cứ mang tính khoa học cao và khá chặt chẽ. Thế nhưng bên cạnh yếu tố chủ quan còn là nguyên nhân khách quan về điều kiện tự nhiên, xã hội, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt, khoa học của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự phối hợp, tạo điều kiện của người dân... Tất cả những yêu tố trên đều có thể ảnh hưởng đến kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh. Nếu một “mắt xích” nào đó không chạy đúng guồng sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung cả dây chuyền.

Ngay từ đầu năm, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến hết quý I/2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,70%, thấp hơn 4,69 điểm % so với kịch bản đã đề ra.

Một trong những vấn đề cốt yếu thúc đẩy tăng trưởng GRDP là đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp... tỉnh ta lại thực hiện rất chậm.

Các ngành sản xuất khu vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ phát triển khá ổn định, nhưng đều thấp hơn kịch bản từ 0,25 đến 6,69 điểm %. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và hoạt động y tế, trợ giúp xã hội chỉ đạt lần lượt 75,95% và 84,39% giá trị mục tiêu quý I/2023.

Tỷ lệ giải ngân vốn 3 tháng đầu năm đạt 26,11%. Chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị chưa tốt, thiếu chủ động dẫn đến chưa phân bổ hết 100% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023...

Trên cơ sở kết quả đạt được, chỉ ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong tăng trưởng, nhận thấy 3 quý còn lại của năm, bên cạnh thuận lợi thì cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro cả chủ quan và khách quan. Với đặc thù vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên như tỉnh ta, giữa tháng 5 trở đi là bước vào mùa mưa và thường kéo dài nhiều tháng. Như vậy ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm; các công trình dân dụng lớn của tỉnh. Điều này đồng nghĩa tiến độ giải ngân chậm do không có khối lượng, rất dễ “khê” vốn. Thiên tai, dịch bệnh, bão lũ cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân. Từ 15/4, Sân bay Điện Biên tạm thời đóng cửa đến cuối năm phục vụ nâng cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân địa phương, nhất là hoạt động du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Do vậy, để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10% (sau điều chỉnh), trước nhất, cần triển khai thực hiện các kế hoạch đề án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án trồng mắc ca, sản xuất nông lâm kết hợp. Sớm hoàn thành kế hoạch giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 theo Kế hoạch số 2783/KH-UBND...

Một mặt, sớm phân bổ hết 100% vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn công tác giải phóng mặt bằng để các dự án thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, giải ngân vốn kịp thời. Quản lý chặt giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đối với các công trình, để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu. Cần sớm thành lập tổ kiểm tra tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các huyện, thị xã, thành phố. Khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai đấu giá đất, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tạo nguồn thu để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tập trung vào các chỉ số thành phần có mức tăng thấp hoặc các chỉ số giảm. Triển khai đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước và đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực điều hành kinh tế, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế.

Tiếp đến là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top