Truyện ngắn

Chuyện một cây mai quý

09:00 - Thứ Năm, 09/02/2017 Lượt xem: 6266 In bài viết
ĐBP - Năm nào cũng vậy, cứ sau tết là lão Ân lại “xuống núi”! Cái tin ấy được cô Ba xóm Bàu truyền đi. Ai hỏi, cô bảo sư trụ trì chùa Quang Minh trên núi Tranh nói vậy khi cô lên chùa lễ Phật hôm rằm. Lão Ân lên núi cũng gần năm năm rồi. Chuyện lão bỏ nhà đi, cả làng đều biết. Thương lão một, trách thằng con lão mười. Cũng may vài năm trở lại đây thằng Thuần, con lão Ân tu chí làm ăn.

Vườn mai trước nhà phát triển tốt, khách chơi mai đánh tiếng đã tìm đến coi rồi. Lão Ân là người đam mê mai cảnh. Lão nói say mê về hoàng mai, nhất chi mai hay mai trắng… Lão quên ăn mất ngủ vì thời tiết thất thường, vườn mai mới uốn dáng, bấm cành thì đột ngột sương muối hay ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Lão vui nhất là những ngày đầu tháng chạp. Khách quen đổ về vườn mai, coi cây, đoán nụ. Lão ngồi trên chiếc ghế vuông, phả từng ngụm khói, nghe khách trầm trồ, bình phẩm. Nhìn những cành mai vươn ra đón gió, những chiếc lá non mơn mởn phất phơ, trong nách lá có những nụ xanh bé xíu nhu nhú, lão cảm thấy lòng hân hoan, phơi phới.

Lão Ân kiếm tiền nhờ bán mai cảnh. Nhưng phàm không vì tiền mà mưu lợi bằng mọi cách. Trong xóm nhiều người trồng mai, nhiều vườn mai cũng đẹp lắm nhưng khách lại ít ghé thăm. Họ ngần ngại vì chủ vườn hét giá, đặc biệt với khách lạ, lại chưa biết nhiều về mai. Lão Ân thì chừng mực, bán được mai cũng như tìm được người cùng sở thích. Nhìn dáng mai, chủ khách bàn luận không ngớt về ý nghĩa của nó. Nhìn số lượng nụ mai mà đoán định được sự an thái, cát tường. Thằng Thuần thì lại không giống lão, cứ gặp khách sộp là muốn đội giá lên cao. Lão trừng mắt, nạt nộ khiến nó tiu nghỉu, lúc quay đi còn lẩm bẩm khó chịu. Nó còn bảo với mấy người rằng cha nó hâm, chê tiền nữa.

Một hôm, có người khách lạ từ phương xa tới, trông cách ăn mặc và đi đứng, lão Ân đoán chắc là giàu có và chức quyền. Khách dạo một vòng rồi mới đứng trước mặt lão, trịnh trọng rằng muốn mua một cây mai dáng quân tử và tán vượng khí, nụ lộc phát. Lão Ân biết đây là kẻ sành chơi mai nên cũng rất nhẹ nhàng:

- Ông cứ coi cho kỹ, vườn mai nhà tôi đều đáp ứng được sở nguyện của khách.

Nói rồi lão Ân dẫn khách dạo vườn lần nữa. Khách chợt đứng lại, sững người trước gốc mai to, tán rộng, nhiều bông hàm tiếu, thế cây rất đẹp. Khách săm soi từng chiếc lá và nhìn lão Ân như muốn biết một vài thông tin. Lão Ân lúc này cũng quay lại, nhẹ nhàng:

- Xin lỗi, quý khách không thể mua cây này được!

- Tại sao? Khách ngạc nhiên, hỏi dồn.

- Quý khách chỉ cần biết vậy thôi. Mong hết sức thông cảm!

- Thật lạ, ông cho biết lý do, nếu tôi mua cây khác cũng thấy nhẹ lòng!

Lão Ân không nói gì nữa, chỉ ngước mắt nhìn khách. Khách thì đang đợi chủ vườn nói một câu thỏa đáng. Ánh mắt lão Ân vừa như van nài, xin đừng hỏi nữa vừa như đau đáu nỗi niềm xót xa. Thấy vậy, khách gật đầu rồi tìm cây khác. Nhưng khách không ưng ý cây nào cả nên xin phép lão Ân ra về. Thằng Thuần tiễn khách, đứng nói chuyện với khách ngoài ngõ hồi lâu.

...Lên núi, lão Ân tá túc ở chùa Quang Minh. Sư trụ trì rất quý lão và cho lão sử dụng vạt đất mé trái chùa trồng cây kiểng cho đỡ nhớ nghề. Cứ nghĩ lão giận con chỉ vài ba hôm hay chừng tháng rồi về lại nhà. Ai ngờ qua một năm, hai năm rồi đến năm thứ tư, lão vẫn cặm cụi chăm sóc vườn cây kiểng của nhà chùa. Nhiều lần sư thầy khuyên lão về khi biết thằng Thuần đã ăn năn, lên tận chùa cầm tay cha, rớt từng giọt nước mắt. Lão cứng rắn, gỡ tay con và bước lẹ vô phòng nằm. Thằng Thuần chưng hửng, nhìn theo dáng cha rồi quay về như kẻ mất hồn. Lúc thằng Thuần vừa khuất sau cồng tam quan, lão Ân có chạy theo. Khi thấy bóng con trai lũn cũn dưới dốc thì lão giơ tay, định gọi nhưng rồi lại thôi. Lão vào chính điện, ngước nhìn lên tòa sen, mắt ngân ngấn nước.

Rồi cũng quen dần. Thuần biết tính cha khó thuyết phục nên dốc lòng làm lụng, bỏ hẳn rượu chè, cờ bạc. Vợ Thuần ôm con quay về. Đứa con gái của Thuần cũng sắp vào mẫu giáo. Thuần ngồi trước nhà nhìn vườn mai cỗi cằn, thiếu sinh khí mà không khỏi chạnh lòng. Nó thở dài thườn thượt. Phải làm gì thôi, không thể để vườn mai chết rụi. Vườn mai không còn thì cha cũng khó lòng tha lỗi. Nghĩ vậy, Thuần bàn với vợ nhờ người chăm sóc, uốn dáng, tỉa cành. Dần dà, hai vợ chồng cũng quen việc. Vườn mai hồi phục nhanh chóng.

... Lão Ân về nhà hôm trước hôm sau khách đã ùn ùn kéo tới. Ai cũng bảo lão có duyên với cây mai. Có người còn nói lão có bùa có ngải. Lão chỉ cười trừ. Lão đi dạo khắp lượt, xem từng gốc mai. Chưa đẹp lắm nhưng cũng không đến nỗi tệ. Nhưng khách sành chơi thì khó chọn được cây vừa ý. Thằng Thuần theo sau gật đầu tiếp thu lời cha. Đi đến góc vườn, chỗ đất lõm xuống, cỏ dại ken dày, lão Ân bất ngờ nhìn con. Thằng Thuần nghe một dòng điện chạy dọc sống lưng, mồ hôi lấm tấm trên trán. Nó lắp bắp, nhìn cha hối lỗi. Lão Ân xúc động thấy rõ. Bước chân lập cập.

Không đau khổ, buồn bã sao được khi gốc mai cổ thụ đã bị bứng đi. Cây mai gắn liền với những kỉ niệm. Đẹp và buồn. Lão tâm nguyện sẽ giữ cây mai ấy đến lúc tàn hơi chứ không bán dù người ta trả giá hàng tỉ đồng. Trong vườn có nhiều cây đẹp lắm. Mỗi cây đều mang một kỉ niệm, một ý nghĩa và khoác lên đó bao nỗi niềm, bao hồi ức. Nhất là gốc mai nơi góc vườn. Gốc mai được vun đắp thêm đất đen và xơ dừa, bao bọc xung quanh nó là những viên đá cuội giữ ẩm cho gốc. Cây mai này được lão mang về từ núi sâu sau ròng rã nửa tháng lạc trong rừng phải quanh đi quẩn lại giữa bạt ngàn gai gốc và cây lá. Lần ấy, đi tìm mai có năm người, đều trai tráng trong làng. Họ đốt lửa sưởi ấm, xua thú dữ về đêm. Họ trèo núi, bám dây leo vượt qua ghềnh thác. Có người chẳng may hụt chân, trượt ngã, bêu đầu, vỡ trán. Lão thì đói quá tụt lại đằng sau và bị bỏ lại. Thức ăn mang theo đã hết, lão phải ăn trái rừng và lá rừng cầm hơi. Kiệt sức, lão gục xuống bên gốc cổ thụ xum xuê cành lá, thiếp đi. Khi tỉnh dậy, lão thấy một nhà sư trẻ đứng bên cạnh. Nhà sư ấy đi tìm cây thuốc chữa bệnh. Lão quýnh quáng cảm ơn khi biết nhà sư đã cứu mình bằng những giọt sâm mang theo. Khi biết niềm đam mê mai quý của lão, nhà sư chỉ xuống đất, cạnh gốc cổ thụ. Một cây mai con với năm chiếc lá non mơn mởn, đều đặn. Nhà sư triết lý về “ngũ thường” và về “kim - mộc - thủy - hỏa - thổ” cho lão biết. Lão vui mừng khôn xiết, rẽ rừng về nhà.

Trải qua bao thăng trầm, giông bão, gốc mai như được tiếp sức thêm từ hơi ấm và khí lạnh của lòng đất nên càng to gốc lớn cành. Mỗi độ xuân về, cành mai bung nở những cánh hoa màu vàng óng ánh, hương thơm dìu dịu thanh khiết. Lão yêu quý cây mai vô cùng. Nhìn nó, lão tưởng đến nét mặt phúc hậu, ánh mắt ngời sáng của nhà sư trẻ. Rồi lão đã đi tìm vị ân nhân của đời mình. Đó chính là sư trụ trì chùa Quang Minh. Vậy mà nông nổi, hám tiền vì cờ bạc, lô đề mà con trai lão đành đoạn bán gốc mai quý đi. Lão hực lên như con heo bị chọc tiết rồi nằm bất động. Lão sống như kẻ vô hồn mấy ngày sau đó. Vì giận con trai. Cái thằng con trời đánh. Nó lâm vào tệ nạn, vợ ôm con bỏ đi, bây giờ thì bán đi gốc mai mà suốt đời lão yêu quý. Lão đau khổ và sẽ không bao giờ tha thứ. Lão lên núi nhằm ngày hai mươi ba tháng chạp, khi vườn mai sau kì mưa lạnh, tích nhựa căng tràn, báo hiệu một mùa xuân đầy hương sắc.

Lão Ân thức dậy khi mặt trời lên quá con sào. Từng tia nắng mới, vàng ươm rải khắp không gian. Lão bước ra sân, ngắm nhìn, một màu xanh ngời sáng trước mắt. Dường như mùa đông cùng những cơn gió lạnh đã lặng lẽ đi qua. Trên trời, từng đàn én chao liệng khiến cho lòng lão cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Thấy cha rạng rỡ nhìn trời, ngắm cây, thằng Thuần cũng ngừng tay. Lão Ân đến gần con trai, đưa tay sờ mấy lộc non mơn mởn nhảy nhót trên từng nhánh cây tưởng đã già cỗi và nói với nó điều gì đó. Thằng Thuần mỉm cười rồi nâng niu nụ hoa mai nhỏ xíu, xanh xanh. Lòng nó ngập tràn niềm vui khi nghĩ về cuộc hành trình đang diễn ra của nụ mai và của chính cha nó và nó nữa. Những điều phiền lụy, không hay rồi sẽ đi qua, đọng lắng, sâu đằm là tình cha con, là sự hướng thiện. Bất ngờ, thằng Thuần nắm tay cha. Ánh nhìn của lão Ân nhân từ, ấm áp như ánh nắng mùa xuân tỏa xuống vườn mai đang khoe sắc...

Trần Đức Sơn
Bình luận
Back To Top