Ða dạng sắc màu văn hóa trên mảnh đất lịch sử

09:23 - Thứ Tư, 18/04/2018 Lượt xem: 7569 In bài viết
ĐBP - Sau 64 năm giải phóng, Ðiện Biên giờ đây đã đổi thay về mọi mặt. Nhưng dù có “thay da đổi thịt”, Ðiện Biên vẫn mang đậm đặc trưng bản sắc vùng cao. Bởi cùng với công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện sống thì việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng rất được quan tâm, đầu tư, tạo nên một vùng đất lịch sử có sắc màu văn hóa đa dạng, độc đáo và thu hút.

 

Phụ nữ dân tộc Cống bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) trong trang phục truyền thống.

Ðiện Biên có 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có văn hóa truyền thống cùng những nét đặc trưng riêng biệt. Ðể mỗi tộc người đều giữ được sắc màu độc đáo của mình, những năm qua tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, như: Bảo vệ, sửa chữa công trình kiến trúc văn hóa cổ; phục dựng lễ hội, nghi thức dân gian; khôi phục nghề, nhạc cụ mai một; bảo tồn trang phục dân tộc, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ… Nhờ vậy, toàn tỉnh có 21 di tích đã được xếp hạng, 8 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cấp quốc gia cùng nhiều nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa các dân tộc được Nhà nước công nhận, vinh danh. Ông Hù Văn Sầm, bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) là nghệ nhân ưu tú dân tộc Cống đầu tiên được phong tặng của tỉnh, chia sẻ: Từ khi có Ðề án Bảo tồn văn hóa dân tộc Cống, chúng tôi được hỗ trợ tổ chức, duy trì tết Hoa truyền thống, nhiều nghi lễ dân gian, hoạt động văn hóa được thực hiện trở lại. Bà con ý thức hơn trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, chủ động tham gia học hát, học múa và tự làm trang phục cổ truyền để mặc vào các dịp đặc biệt.

Riêng trong năm 2017, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh đã tiến hành kiểm kê văn hóa 6 dân tộc, khảo sát bảo tồn văn hóa dân tộc Khơ Mú, xã Pá Khoang (huyện Ðiện Biên); nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 2 di sản: Lễ Gạ ma thú (cúng bản) của người Hà Nhì và Mền lóong phạt ai (tết Hoa) của người Cống đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Tỷ lệ các dân tộc được kiểm kê, đánh giá về DSVH đạt 90%, tỷ lệ các dân tộc có các giá trị DSVH tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy 26,3%. Tỉnh ta cũng tiếp tục triển khai xây dựng hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái Ðiện Biên tham gia bộ hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật xòe Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðồng thời duy trì tổ chức một số lễ hội tiêu biểu, như: Lễ hội Hoa ban, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én… Cũng trong năm 2017, Sở đã làm hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL xét tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực DSVH phi vật thể cho 25 cá nhân và truy tặng danh hiệu cho 1 cá nhân.

 2017 có thể nói là năm công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa của tỉnh đạt được nhiều thành tựu khi có 2 di sản được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia là “nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống” của người Mông xã Sa Lông (huyện Mường Chà) và Lễ Bun Huột Nặm (Tết té nước) của dân tộc Lào, bản Na Sang, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Mới đây (ngày 13/4) người dân bản Na Sang tưng bừng tổ chức vui tết truyền thống, đồng thời long trọng đón nhận danh hiệu di sản này. Chị Vì Thị Dung, người dân trong bản, chia sẻ: Những năm gần đây, văn hóa truyền thống của dân tộc chúng tôi được chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện gìn giữ, phát triển. Ðến nay, Tết té nước của dân tộc được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia, tôi cũng như mọi người trong bản đều rất vui mừng và tự hào, thấy bản thân có thêm động lực và trách nhiệm trong việc bảo tồn, tiếp nối nét đẹp văn hóa truyền thống của tổ tiên.

Ðể gìn giữ, phát huy văn hóa các dân tộc trên địa bàn, tháng 7/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Ðề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, như: kiểm kê, lập hồ sơ DSVH phi vật thể quốc gia và rà soát, xét chọn các nghệ nhân lĩnh vực văn hóa; đưa nghệ thuật trình diễn di sản xòe Thái vào sinh hoạt văn hóa thường xuyên; xây dựng, triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc thù của các dân tộc đặc biệt ít người và cần bảo tồn khẩn cấp… Với chủ trương và sự quan tâm này, chắc chắn rằng “bức tranh văn hóa” đa sắc màu các dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng trở nên đậm nét và độc đáo.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top