Phim về nghề báo: Làm sao để giới cầm bút thấy mình trong đó?

15:40 - Thứ Hai, 22/06/2020 Lượt xem: 8503 In bài viết

Mặc dù điện ảnh Việt có nhiều bộ phim về nghề báo nhưng dường như chưa có bộ phim nào khiến cho giới cầm bút cảm thấy say mê, thấy thực sự có mình trong đó. Phải chăng đây là một nghề quá khó để tái hiện trên màn ảnh?

Phim Những nhân viên gương mẫu bị chê nhạt và nhảm khi đề cập đến công việc của một tòa soạn báo.

Thách thức với nghệ sĩ

Trong bộ phim truyền hình ăn khách Sinh tử mới chiếu gần đây, diễn viên Thanh Hương vào vai Hoàng Ngân, một nữ nhà báo can trường, chuyên viết bài chống tham nhũng. Dù chỉ là vai phụ, thời lượng xuất hiện không nhiều nhưng khi bộ phim được phát sóng, vai của Thanh Hương lập tức gây chú ý với những bình luận trái chiều, trong số đó có nhiều ý kiến của các nhà báo. Đa số cho rằng nhân vật Hoàng Ngân được xây dựng không thực tế, đội ngũ làm phim không hiểu gì về quy trình của các tòa soạn... Điều này khiến Thanh Hương cảm thấy áp lực.

Cô từng chia sẻ: “Đây là vai diễn rất khó, khi nhận vai nghĩa là tôi chấp nhận bị soi nhiều”. Cụ thể, theo nữ diễn viên, vai này khó từ những câu thoại trở đi bởi khi vào vai một nhà báo nội chính chuyên viết bài chống tham nhũng thì lời thoại cũng phải hùng hồn, sắc bén, đậm tính chuyên môn và phải chuẩn từng từ. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên hỏi han ý kiến bạn bè làm báo để vai diễn sinh động.

Không chỉ Thanh Hương, hầu hết nghệ sĩ từng thể hiện vai nhà báo đều trải qua cảm giác đó. Trước đó rất lâu, diễn viên Hồng Ánh khi vào vai nhà báo Thúy Bình trong bộ phim truyền hình dài tập Nghề báo của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng thừa nhận cô cảm thấy áp lực. Nhà báo vừa am tường về lĩnh vực mà mình viết, vừa có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống nhanh nhạy. “Nhiều người nói, phim mới chỉ chạm nhẹ vào lớp bên ngoài của nghề báo. Bên trong nghề, hẳn sẽ còn phức tạp hơn thế”, nghệ sĩ Hồng Ánh thừa nhận.

Làm thế nào để hấp dẫn?

Là một nghề có tính đặc thù cao, báo chí luôn là đề tài mà các biên kịch quan tâm, được tái hiện cả ở dòng phim truyền hình và phim điện ảnh. Ngoài những bộ phim đề cập sâu đến mảng đề tài này như Nghề báo, Nguyệt thực, Đàn trời, Phóng viên thử việc, Đèn vàng, Những phóng viên vui nhộn hay gần đây là Những nhân viên gương mẫu..., vai diễn nhà báo còn xuất hiện trong nhiều bộ phim khác.

Hình ảnh người phóng viên phóng khoáng, khả năng điều tra các vấn đề nóng, uy tín xã hội cao... mang đến cho các bộ phim màu sắc đa dạng. Song, có rất ít phim về đề tài này khiến giới nhà báo tâm đắc. Lý do, theo NSƯT Trần Lực, nhà báo cũng như nghề công an có yêu cầu nghiệp vụ rất riêng, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài thì rất khó làm cho hay, cho đúng. 

Nhìn ra thế giới, trong những bộ phim xuất sắc nhất về nghề báo, người xem dễ dàng nhận ra hầu hết đều được xây dựng dựa trên sự kiện có thật gây chấn động dư luận. Chẳng hạn, bộ phim kinh điển của Hollywood All the President’s men (1976) dựa trên câu chuyện có thật của hai nhà báo Mỹ Carl Bernstein và Bob Woodward, những người đã điều tra vụ bê bối Watergate, một trong những scandal lớn nhất trong lịch sử chính trường Mỹ, dẫn tới việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Bộ phim đã thắng tới 4 giải Oscar và được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài báo chí. Hay phim Spotlight (2015), do Tom McCarthy đạo diễn, xoay quay những sự kiện có thật về nhóm “Spotlight” của tờ báo The Boston Globe và những khám phá của họ về vụ scandal lạm dụng tình dục tại một nhà thờ công giáo ở Massachusetts. Phim giành giải ở hạng mục Phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar năm 2016.

Năm 2017, bộ phim The Post của đạo diễn Steven Spielberg cũng gây tiếng vang lớn khi đưa ra câu chuyện có thật về cuộc chiến truyền thông giữa tòa soạn báo Washington Post với chính quyền Mỹ nhằm xuất bản công khai hồ sơ Lầu Năm Góc chứa đựng nhiều bí mật quân sự thời chiến tranh Việt Nam. The Post được tạp chí Time và Viện Phim Mỹ bình chọn là một trong 10 phim hay nhất trong năm 2017 và giành được nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng. Bên cạnh đó là những bộ phim được đánh giá là kinh điển, đã phác họa đời sống báo chí thông qua những nguyên mẫu trên thực tế như phim Citizen Kane (1941), Network (1976)...

Rõ ràng, báo chí là một ngành đặc thù mà nếu không hiểu kỹ thì rất khó có được tác phẩm hay. Để tạo nên bộ phim Ký sinh trùng đoạt giải Oscar 2019, đạo diễn Bong Joon-ho và trợ lý, đồng biên kịch Han Jin-won đã mất nhiều tháng ròng, trong đó có 3 tháng chỉ để đi phỏng vấn, tìm hiểu cuộc sống của những con người đại diện cho các tầng lớp mà họ định phản ánh, sau đó mới nhào nặn nhân vật cụ thể. Đó là kinh nghiệm mà các nhà biên kịch, đạo diễn cần nắm bắt khi thực hiện tác phẩm về nghề báo.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top