Sử dụng hiệu quả ấn phẩm báo, tạp chí

08:32 - Thứ Sáu, 24/06/2016 Lượt xem: 4529 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phát miễn phí các ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Điện Biên được cấp phát miễn phí 19 ấn phẩm báo, tạp chí. Các ấn phẩm báo, tạp chí đã đến kịp thời, đủ, đúng đối tượng, góp phần nâng cao dân trí, nhận thức hiểu biết xã hội, pháp luật cho cán bộ, công chức, người dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, người có uy tín ở cộng đồng dân cư còn hạn chế nên tình trạng báo đến nhanh hay chậm, có đúng đối tượng được cấp phát hay không, họ thường không mấy quan tâm. 

 

Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) giám sát việc thực hiện cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí tại Bưu điện huyện Nậm Pồ tháng 3/2016.

Thường xuyên tác nghiệp tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi thấy, với bộ phận cán bộ, công chức, người có uy tín tại cộng đồng dân cư, họ có báo cũng được, không có cũng không sao. Trong số họ, số người thường xuyên đọc báo không nhiều; báo đến chậm, cấp phát không đúng đối tượng, hoặc không nhận được báo cũng không thắc mắc, kiến nghị đề xuất gì. Có lần, chúng tôi chứng kiến tại một xã, đang chuẩn bị cho bữa cơm liên hoan tổng kết năm của một tổ chức đoàn thể, một cán bộ ôm chồng báo vừa nhận, chưa ai đọc đem ra trải bàn và đậy mâm cơm. Báo còn bị xé nhỏ làm giấy lau bát, đũa, giấy lau tay… Có nơi nhiều ấn phẩm báo, tạp chí chuyển về đến xã nhưng tập trung chủ yếu ở phòng một số cán bộ chủ chốt, hoặc ở văn phòng, như thế có nghĩa không phát huy hiệu quả thông tin tuyên truyền, phổ biến của các ấn phẩm báo, tạp chí, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Tại buổi làm việc với UBND 2 huyện Nậm Pồ và Mường Chà trong chuyến giám sát việc thực hiện cấp phát miễn phí các ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 3 vừa qua, các đồng chí: Lầu Nỏ Sa, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh; Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, có chung quan điểm sẽ kiến nghị với bộ, ngành Trung ương, Chính phủ nên giảm số đầu báo, tạp chí cấp phát miễn phí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như hiện nay. Cùng với quan điểm trên, cán bộ công chức 4 xã mà đoàn công tác đến giám sát cũng đồng ý nên giảm số đầu báo, đặc biệt các tạp chí chuyên đề dân tộc thiểu số và miền núi (hơn 10 loại). Số lượng 19 ấn phẩm báo, tạp chí được cấp phát miễn phí như hiện nay là quá nhiều. Đấy là chưa kể, còn có một số loại báo khác cấp miễn phí cho cán bộ, công chức, người có uy tín, như: Báo Điện Biên Phủ vùng cao, cấp phát cho các trưởng bản, người có uy tín; Báo Công an cấp phát cho lực lượng công an xã; Báo Quân đội Nhân dân cấp cho ban chỉ huy quân sự xã; Báo Đại đoàn kết cấp phát cho cán bộ mặt trận Tổ quốc xã... Nhiều loại báo cấp phát trong cùng thời điểm nên thông tin trùng lặp.

Giảm bớt số đầu báo, tạp chí, nhưng giảm loại nào, số lượng bao nhiêu, cần có sự kiểm tra, khảo sát của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Đánh giá đúng nhu cầu đọc, nắm bắt thông tin của cán bộ, công chức, người có uy tín vùng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc làm cần thiết góp phần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đưa thông tin tuyên truyền, phổ biến của ấn phẩm báo, tạp chí đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top