Hãy là người tiêu dùng thông thái

15:14 - Thứ Sáu, 02/12/2016 Lượt xem: 4224 In bài viết
ĐBP - Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là yếu tố quan trọng mang tính quyết định bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh. Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm, song vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đảm bảo VSATTP, nhất là những nơi kinh doanh, buôn bán thức ăn đường phố.

Thức ăn đường phố thường tiện lợi đối với người tiêu dùng, đặc biệt là với những người công việc bận rộn, không có thời gian dành cho việc nội trợ. Tuy nhiên, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm do người bán thiếu kiến thức về VSATTP; môi trường bị ô nhiễm do các phương tiện thường xuyên lưu thông trên đường. Cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được những điều kiện cần và đủ đối với người bán thức ăn đường phố (vệ sinh cá nhân, mầm bệnh truyền nhiễm...). Bên cạnh đó, các cơ sở bán thực phẩm thiếu điều kiện vệ sinh môi trường, như: nước sạch, phương tiện bảo quản. Thức ăn không được che đậy bảo quản cẩn thận hoặc dụng cụ che đậy, bảo quản không đúng quy định khiến thức ăn dễ bị lây nhiễm chéo…

Một quán bán đồ ăn cạnh Trường Mầm non Hoa Ban, phường Mường Thanh, TP. ĐiệnBiên Phủ.

TP. Điện Biên Phủ là nơi đông dân cư, các dịch vụ ăn uống phong phú, nhiều nhà hàng, quán ăn đảm bảo yêu cầu về VSATTP song cũng không ít cơ sở kinh doanh chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống. Dạo quanh khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Mường Thanh) có thể nhận thấy khá nhiều điểm kinh doanh thức ăn chế biến sẵn. Ghé vào một quán ăn trong chợ Mường Thanh do chị N.T.M làm chủ quán, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến quy trình chế biến bún, phở cho khách của chủ quán và nhân viên phục vụ. Hầu hết bát đĩa, dụng cụ ăn uống sau khi ăn xong được rửa qua loa, có khi mỡ, đồ ăn thừa, nước rửa chén… còn dính trên mặt bát, đĩa rồi lại tiếp tục được chủ quán dùng đựng thức ăn cho khách đến sau. Các nguyên liệu, như: bún, phở, thịt, rau sống… không được che đậy cẩn thận. Chị Vũ Thị Như - khách hàng ăn tại quán, chia sẻ: Biết rằng đồ chế biến sẵn, nhất là thức ăn đường phố sẽ không đảm bảo sức khỏe, tôi cũng thấy bất an, nhưng do tiện lợi nên tôi vẫn thường ăn tại đây.

Trên thực tế, sử dụng thức ăn bán sẵn đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Cùng với số lượng lớn quán ăn sẵn, thực phẩm chế biến sẵn tại các chợ, hệ thống nhà hàng, quán ăn bình dân mọc lên trên các tuyến đường nội thị, thì các quầy hàng di động bán bánh mỳ, gà quay, thịt quay, xúc xích… cũng đang nở rộ từng ngày.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có 260 cơ sở chế biến thức ăn đường phố. Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm soát các cơ sở này đang gặp nhiều khó khăn bởi đặc tính lưu động, không có trụ sở, chưa kể một số người kinh doanh theo thời vụ.

Nói về vấn đề VSATTP tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn, ông Vũ Văn Long, Trưởng phòng Y tế TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác phối hợp, thành lập các đoàn thanh, kiểm tra; thanh, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong 470 cơ sở, đoàn đã tổ chức thanh, kiểm tra 699 lượt. Số cơ sở đạt tiêu chuẩn chiếm 91%. Trong số 260 cơ sở chế biến thức ăn đường phố, đoàn tiến hành thanh, kiểm tra 377 lượt, tỷ lệ đạt yêu cầu chiếm 90,9%. Các cơ sở chưa đạt yêu cầu chủ yếu liên quan đến giấy chứng nhận ATTP hết hạn; chưa cập nhật kiến thức VSATTP, chưa khám sức khỏe hàng năm theo định kỳ; chưa lưu mẫu thức ăn, vệ sinh nội cảnh chưa đảm bảo; trang phục và dụng cụ sản xuất chưa đúng quy định. Cũng trong thời gian đó, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 ca ngộ độc; trong đó, có 5 ca được xác định nguyên nhân ban đầu do ngộ độc bún tại quán Hải Long (phường Noong Bua).

Trưởng phòng Y tế TP. Điện Biên Phủ, Vũ Văn Long cho rằng, để làm tốt công tác đảm bảo ATVSTP đường phố thì rất cần sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Bởi theo phân cấp, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc chính quyền cấp xã, phường quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền cơ sở chỉ mới dừng ở việc tổ chức cho các cơ sở ký cam kết đảm bảo VSATTP, còn liên quan đến công tác chuyên môn thì xã, phường chưa có điều kiện thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top