Giải quyết việc làm

Tìm lời giải cho bài toán “cung” - “cầu”

09:14 - Thứ Năm, 23/03/2017 Lượt xem: 6828 In bài viết
ĐBP - Xét trong tổng thể, kết quả giải quyết việc làm nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh ta tạo bước chuyển tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhất là năm 2016, có 8.598 lao động được giải quyết việc làm mới (vượt kế hoạch giao), giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 3,1%. Song để thêm nhiều lao động được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, nâng chất lượng cuộc sống là cả vấn đề nan giải khi nghịch lý “cung” - “cầu” vẫn là rào cản …

Ít nhu cầu tuyển dụng tại địa phương

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khi trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm. Toàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp, phần lớn quy mô nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Thực hiện việc cắt giảm đầu tư công, những doanh nghiệp này tìm được việc làm cho lao động hiện có đã khó, chứ cơ bản là không có nhu cầu tuyển dụng mới hoặc có tuyển dụng nhưng rất ít và là lực lượng lao động phổ thông (vì mức lương phải trả thấp hơn lao động có trình độ cao đẳng, đại học). Số lao động được giải quyết việc làm thông qua tuyển dụng của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Do số lượng biên chế công chức, viên chức hiện được giao hàng năm về cơ bản là không tăng thêm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Và hiện nay đang thực hiện việc tinh giản biên chế theo Nghị định 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014/NĐ - CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, trong năm 2016 toàn tỉnh chỉ có 532 người được tuyển dụng vào cơ quan hành chính sự nghiệp (chiếm gần 6,2% số lao động được giải quyết việc làm mới). Công tác giải quyết việc làm mới cho người lao động chủ yếu vẫn là thông qua vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, người lao động tự tìm việc làm, làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

 

Người lao động xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) học nghề khai thác mủ cao su và được Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tuyển dụng làm công nhân với mức lương bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Thêm gánh nặng trong công tác giải quyết việc làm hàng năm, đó là số lượng lớn học sinh sinh viên tốt nghiệp, nhưng tâm lý muốn làm đúng ngành đào tạo, được làm việc trong các cơ quan Nhà nước mà không muốn làm trong các doanh nghiệp, tạo áp lực không nhỏ trong khâu tìm kiếm và bố trí việc làm tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới gần 5.900 học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp (từ trung cấp trở lên) chưa có việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Và vấn đề giải quyết việc làm cho các lao động thất nghiệp này đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền trong tỉnh, nhất là bố trí việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Thay đổi tư duy, dự báo thị trường lao động

Trong điều kiện thực tiễn địa phương không có các nhà máy, khu công nghiệp cũng như doanh nghiệp lớn để bố trí việc làm, thì hướng liên kết với các đơn vị tuyển dụng lao động tại khu công nghiệp ngoài tỉnh là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm mà tỉnh đã và đang hướng tới.

Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn của các doanh nghiệp ngoài tỉnh cho thấy, thị trường lao động tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… khá tiềm năng với số lao động cần tuyển dụng mỗi năm lên tới vài chục nghìn người. Tuy nhiên, phần vì tâm lý không muốn làm việc xa gia đình nên người lao động chưa “mặn mà” với thị trường này. Cụ thể, trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 293 lao động đi làm việc tại Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; 130 lao động làm việc tại Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản tuyển; 27 lao động đi làm việc tại Công ty Cổ phần than Núi Béo (tỉnh Quảng Ninh); 13 lao động làm việc tại Công ty TNHH Fuhong Pcelision Compohent (thuộc Tập đoàn Hồng Hải của tỉnh Bắc Giang)… Để thay đổi tư duy ngại thay đổi, ngại xa nhà ở một bộ phận không nhỏ người lao động hiện nay cần có thời gian và để họ thấy rằng, trong thời buổi hiện nay có cơ hội làm việc đã là may mắn, phải nỗ lực và biết nắm giữ. 

Còn về vấn đề thất nghiệp và không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo phải chấp nhận thực tế, rằng không phải cứ tốt nghiệp là có thể xin được việc làm đúng với ngành học. Người lao động cần phải luôn học tập và thay đổi mình, vì vị trí việc làm cũng biến động theo nhu cầu của thị trường lao động. Do đó không những phải thay đổi nhận thức học chỉ để làm “thầy” mà còn phải chú trọng công tác phân tích, dự báo thị trường lao động, việc làm. Trên cơ sở đó, tư vấn, định hướng cho đối tượng chuẩn bị bước vào độ tuổi lao động chọn ngành, nghề phù hợp nhu cầu thực tế. Tuyên truyền làm sao để người lao động nhận thức được quan điểm của Luật Lao động đó là có thể làm bất cứ việc gì để có thu nhập mà không bị pháp luật cấm; học nhiều nghề thì mới có cơ hội để tham gia thị trường lao động, có cơ hội lựa chọn nghề phù hợp hơn, ổn định hơn, có thu nhập cao hơn - Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.

Để giải quyết việc làm cho người lao động phù hợp với khả năng và ngành nghề đào tạo, phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong khâu định hướng cho lứa tuổi sắp bước vào độ tuổi lao động để lựa chọn và theo học những ngành, nghề mà xã hội và địa phương đang cần. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác dự báo, phân tích thị trường lao động, việc làm; tăng cường kết nối “cung” - “cầu” lao động; cung cấp thông tin thị trường lao động; phân tích xu hướng thị trường lao động để phục vụ cho định hướng đào tạo nghề và bố trí nhân lực hợp lý. Trước mắt, trong quý II/2017 Sở sẽ tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh; học sinh, sinh viên và người lao động… Đó là cơ hội giúp học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp và người lao động chưa có việc làm gặp gỡ, trao đổi thông tin và được các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng tư vấn về việc làm, dạy nghề để lựa chọn, tìm kiếm việc làm, học nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ, khả năng của mình và sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top