Cần quan tâm hỗ trợ hộ cận nghèo

09:32 - Thứ Tư, 22/11/2017 Lượt xem: 6511 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình giảm nghèo đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức. Nhờ đó, công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Song, một hạn chế đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến giảm nghèo bền vững là việc hộ cận nghèo còn ít được hưởng các chính sách ưu đãi, dẫn đến khả năng tái nghèo cao.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định 161/QÐ-UBND, ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh), toàn tỉnh có 54.723 hộ nghèo (chiếm 44,82%) và 10.694 hộ cận nghèo (8,76%). Trong đó, hộ cận nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với 10.418 hộ. Huyện có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất là Ðiện Biên (3.856/27.868 hộ, chiếm 13,84%); tiếp theo là Mường Ảng (13,59%); Tuần Giáo (12,92%)... TP. Ðiện Biên Phủ có tỷ lệ hộ cận nghèo thấp nhất với 83/14.298 hộ (chiếm 0,58%); thị xã Mường Lay (0,92%).

Ðể đạt yêu cầu giảm nghèo bền vững, không thể bằng mọi cách đạt thành tích về con số hay tỷ lệ giảm nghèo mà phải có giải pháp giải quyết cái gốc của vấn đề. Trong đó, thực trạng “cận nghèo” có ảnh hưởng lớn tới giảm nghèo bền vững. Bởi ranh giới giữa nghèo và cận nghèo cũng rất “mong manh”, có khi chỉ hơn kém 1 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản mà thôi. Theo Quyết định 59/2015/QÐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho  giai đoạn 2016 - 2020: Chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 700.000 đồng/tháng trở xuống và hộ có thu nhập bình quân trên 700.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng nhưng thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân trên 700.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường. Theo quy định, có 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Như vậy, chỉ cần tăng thêm một chỉ số là hộ cận nghèo đã trở thành hộ nghèo. Ðiều này đã thể hiện rõ trong thực tế, chỉ sau một trận thiên tai bão lũ, mất mùa... là vỡ ranh giới, hộ cận nghèo rớt xuống hạng nghèo. Ðầu năm 2016, tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 9.124 hộ; trong năm thoát cận nghèo được 1.901 hộ nhưng có 533 hộ tái cận nghèo, cộng thêm số hộ cận nghèo phát sinh nên đến cuối năm tăng lên 10.694 hộ. Hiện nay, chưa có quyết định phê duyệt kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, song với thiệt hại khá lớn do mưa lũ trong năm sẽ khó tránh việc tác động đến tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong khi đó, các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản dễ bị ảnh hưởng của thiên tai lại đang có nhiều hộ cận nghèo thiếu hụt, như: Nhà tiêu hợp vệ sinh (4.900 hộ); diện tích nhà ở (1.833 hộ); chất lượng nhà ở (1.046 hộ); nguồn nước sinh hoạt (871 hộ)... 

Có thể nói, thời gian qua, Ðảng, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo. Một trong những chính sách đã mang lại hiệu quả tích cực là Quyết định số 15/2013/QÐ-TTg, ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Triển khai thực hiện, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu vay, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ đúng đối tượng. Sau 4 năm, toàn tỉnh đã có 11.916 lượt hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với tổng doanh số cho vay 392,4 tỷ đồng; hiện còn 9.287 hộ dư nợ.

Muốn phát triển bền vững thì trước hết phải giảm nghèo bền vững. Các chính sách cho công tác xóa đói giảm nghèo cần được xây dựng cân đối cho cả hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trong đó, phải xem xét bổ sung người trong hộ cận nghèo thuộc đối tượng yếu thế để có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Ðồng thời, nghiên cứu, áp dụng các mô hình giảm nghèo tương ứng cho hộ cận nghèo để giúp họ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát hẳn ranh giới nghèo. Cùng với đó cần xem xét, áp dụng chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ cận nghèo đi xuất khẩu lao động. Các cấp, ngành liên quan, tổ chức hội, đoàn thể tăng cường phối hợp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ cận nghèo về giống, khoa học kỹ thuật, vật tư sản xuất... để tạo nguồn lực cho hộ cận nghèo ổn định cuộc sống bền vững.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top