Đông con - nguyên nhân của đói nghèo

15:35 - Thứ Tư, 14/11/2018 Lượt xem: 13759 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, đưa dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) đến với người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại Tuần Giáo, đặc biệt là ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá phổ biến. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đói nghèo của huyện vẫn ở mức cao.

Cán bộ dân số xã Chiềng Đông tuyên truyền thực hiện các biện pháp tránh thai cho người dân bản Hua Nạ.

Nằm cách trung tâm xã gần 11km, Hua Nạ là bản vùng cao của xã Chiềng Đông với 100% dân tộc Mông. Và số hộ nghèo của bản cũng vừa vặn với tỷ lệ 100%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con số đáng buồn ấy, nhưng một trong số đó là do người dân nơi đây chưa nhận thức được hậu quả của việc sinh nhiều con. Có những hộ sinh tới 6 - 7 con. Sinh năm 1991 nhưng đến năm nay, vợ chồng anh Hờ A Tính và chị Hà Thị Chí đã có 4 mặt con; đứa lớn nhất sinh năm 2012, đứa bé nhất mới sinh hồi cuối năm 2017. Đông con, lại đẻ dày khiến sức khỏe chị Chí không được tốt. Việc kiếm miếng cơm manh áo cho cả gia đình dồn lên anh Tính. Nhưng ngoài làm nương anh không biết làm gì để nuôi sống gia đình nên những năm qua gia đình anh là hộ nghèo của bản. Trong căn nhà tranh tưởng như sắp sập của vợ chồng anh Tính không có bất cứ một vật gì đáng giá. Thứ duy nhất đáng tiền là chiếc xe máy cũ anh mua lại từ người quen nay cũng không nổ máy được nữa. Anh Tính chia sẻ, có lúc giáp hạt, gia đình anh phải lên rừng kiếm thứ gì đó đi bán để đong gạo hoặc phải nghiền ngô ăn thay gạo cho qua ngày…

Ở vùng thấp, địa hình cũng có phần thuận lợi hơn nhưng bản Hua Ca, xã Quài Tở lại có số hộ nghèo vượt ngưỡng 80%. Hỏi ra mới biết, nhiều hộ cứ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo cũng do sinh nhiều con. Nhiều hộ còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ nên dù đã có 4 - 5 con gái nhưng vẫn cố lấy đứa con trai. Gia đình ông Lò Văn Lả là một trong số những hộ như thế. Ông Lả có 6 người con, sinh đứa lớn từ năm 1990 nhưng phải đến đứa con út sinh năm 2017 vừa rồi ông mới đạt được nguyện vọng là con trai. Nhưng niềm vui đó cũng không thể làm thay đổi sự thật gia đình ông là một trong số những hộ nghèo nhất nhì của bản. Hiện nay, tính cả gia đình đứa con gái lớn, nhà ông có tới 12 miệng ăn nên ruộng nương có được mùa cũng chỉ đủ cho những đứa con, cháu của ông khỏi đói.

Nhìn vào báo cáo của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Tuần Giáo có thể thấy tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn trong những năm qua luôn xấp xỉ con số 20%. Trong 9 tháng qua, toàn huyện có 1.289 trẻ được sinh ra, trong đó có 281 trẻ là con thứ 3 trở lên. Nhưng đó là con số bình quân toàn huyện, thực tế số trẻ là con thứ 3 trở lên được sinh ra tập trung chủ yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, như: Phình Sáng, Pú Xi, Mường Mùn… 9 tháng qua, xã Pú Xi có 129 ca sinh thì có đến 70 trường hợp là con thứ 3 trở lên, xã Phình Sáng có 118 ca sinh thì có 45 ca vi phạm chính sách dân số. Thống kê qua nhiều năm cũng cho thấy, các xã này luôn nằm trong tốp đầu của huyện về sinh con thứ 3 trở lên. Bà Lò Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Tuần Giáo cho biết: Phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, họ vẫn quan niệm rằng phải có con trai nối dõi hoặc chỉ nghĩ đơn giản là việc đông con, nhiều cháu thì gia đình sẽ có thêm sức lao động. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận vấn đề đội ngũ cộng tác viên dân số ở khối, bản thường xuyên thay đổi, phụ cấp thấp, chưa thực sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao nên hiệu quả tuyên truyền, vận động đến người dân còn thấp. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại các xã trong công tác dân số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều xã vẫn coi công tác truyền thông về DS - KHHGĐ là nhiệm vụ của riêng ngành dân số. Vậy nên, vẫn còn không ít người dân chẳng mấy quan tâm đến việc sinh ít con để nuôi dạy cho tốt hay để lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…

Có thể thấy, việc sinh nhiều con đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân, khiến họ cứ mãi luẩn quẩn trong đông con - nghèo đói - đông con mà không tìm được lối ra. Và hiển nhiên, con cái họ không được chăm sóc đầy đủ, không được học hành… rồi cũng rất có thể lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn như cha mẹ chúng trước đây. Thiết nghĩ, muốn xóa đói giảm nghèo một cách triệt để cũng cần thực hiện hiệu quả các chính sách về dân số cho người dân. Trong đó, việc quan trọng cần làm là tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân, nhất là những hộ nghèo về thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo đúng chính sách dân số.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top