Khó khăn trong phòng, chống bệnh dại

08:57 - Thứ Sáu, 16/11/2018 Lượt xem: 12160 In bài viết

ĐBP - Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Nhưng người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại nhờ tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh dại ở tỉnh ta còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 người chết do bệnh dại (giảm 1 người so với năm 2017). Các trường hợp bị phát bệnh dại và chết đều không được tiêm phòng. Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh) cho biết: Từ đầu năm đến nay, trung tâm tiêm 12.218 liều vắc xin cho 3.260 người (trong đó: thu phí 5.366 trường hợp, miễn phí 6.852 người). Bệnh dại do vi rút dại gây nên. Ðây là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong. Mặc dù là bệnh rất nguy hiểm, tuy nhiên, những năm qua, công tác phòng, chống bệnh dại gặp không ít khó khăn, bất cập. Khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan không tiêm vắc xin kịp thời (2 trường hợp tử vong: 1 bệnh nhân ở huyện Mường Nhé, 1 bệnh nhân ở huyện Mường Ảng) do khi bị chó, mèo cắn đã không đi tiêm vắc xin để phòng bệnh dại.

Mặc dù là bệnh rất nguy hiểm có thể gây chết người, tuy nhiên, trong những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt thấp, đây là một trong những nguyên nhân làm cho công tác phòng, chống bệnh dại gặp khó khăn. Với tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh hơn 73 nghìn con. Ðến nay, toàn tỉnh tiêm được khoảng 32.791 con chó, mèo nuôi, tỷ lệ tiêm phòng dại đạt khoảng 44%. Nguyên nhân của việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp là do: Công tác thông tin tuyên truyền đến người dân còn yếu, người dân chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe cộng đồng; một số địa phương chưa có biện pháp kiên quyết, chưa có chế tài trong xử lý các trường hợp vi phạm quy định nuôi, nhốt chó, mèo tại khu dân cư. Vì vậy, công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều chủ hộ không chấp hành quy định nuôi chó phải nhốt, chó nuôi thả rông không được xích nhốt còn phổ biến là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh và gia tăng bệnh dại ở người.

Bên cạnh số đông người dân chưa nhận thức được hết ý nghĩa của việc tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi thì cũng có những người dân nhận thức rất tốt vấn đề này. Họ thực sự là những tuyên truyền viên tích cực để bảo vệ cuộc sống của cộng đồng. Bà Vũ Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 22, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Gia đình tôi nuôi 3 con chó, 2 con mèo. Năm nào tôi cũng tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bởi việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ cho làng xóm, cộng đồng mà còn bảo vệ cho cả những người thân trong gia đình.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh dại, các cơ sở y tế trên địa bàn cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại đối với con người, dấu hiệu mắc và cách phòng tránh bệnh dại. Ðồng thời, phối hợp với ngành Thú y tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho chó, mèo nuôi, tiêm nhắc lại hàng năm và không thả rông chó, mèo. Ðể bệnh dại không còn là nỗi lo của mỗi chúng ta, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, rất cần sự chung tay vào cuộc của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top