Tránh chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

09:56 - Thứ Ba, 21/01/2020 Lượt xem: 9355 In bài viết

Theo Cục Thú y, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã cơ bản được khống chế trên cả nước. Ðã có 12 tỉnh hết dịch; 7.718 xã (chiếm hơn 90% tổng số xã có dịch) thuộc 581 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, tạo điều kiện tốt cho các địa phương tổ chức tái đàn an toàn, tăng nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết.

Tuy nhiên, cũng theo cảnh báo của cơ quan chức năng, DTLCP vẫn diễn biến khó lường do chưa có vắc-xin phòng bệnh, vi-rút tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh rất phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, bệnh lở mồm long móng gia súc lại xuất hiện lẻ tẻ ở một số nơi. Ðáng lưu ý, mặc dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, nhưng nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 và một số chủng vi-rút khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm vào nước ta là rất cao.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong hai đến ba tháng tới, thời tiết thay đổi bất lợi, mưa phùn có thể kéo dài, là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh sinh sôi, cùng với đó là những tác nhân khiến dịch bệnh có thể xảy ra như: nhu cầu giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, lễ hội đầu năm 2020 tăng cao; tổng đàn gia súc, gia cầm và nuôi tái đàn lợn tăng mạnh; việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ... Ðiều này cho thấy, nguy cơ dịch bệnh xảy ra ngay trước, trong, sau Tết Canh Tý 2020 là rất cao.

Ðể thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tránh tình trạng thiệt hại đối với người chăn nuôi, các địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, tập trung triển khai quyết liệt một số biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Theo đó, rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, trong đó chú ý các khu vực từng có ổ dịch, các địa bàn có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết (rét đậm, rét hại).

Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra vào khu vực này, những địa điểm có nhiều nguy cơ để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi, chính quyền cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để lây lan diện rộng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025.

Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật và sản phẩm động vật; nhất là lợn, sản phẩm lợn. Con giống khi được vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh qua các trạm, chốt kiểm dịch động vật trên tuyến đường vận chuyển cần được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định, tránh gây ách tắc và làm tăng nguy cơ lây lan dịch, nhất là DTLCP.

Về lâu dài, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín, an toàn dịch bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top