Nậm Cứm nhiều con ít của

09:30 - Thứ Năm, 06/08/2020 Lượt xem: 7021 In bài viết

Mới độ tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều chàng trai, cô gái ở bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) đã thành cha, thành mẹ của vài đứa trẻ. Buồn hơn nữa, cả bản chẳng có gì ngoài “thành tích ngược” là 100% hộ nghèo, cận nghèo.

Bản Nậm Cứm.

“Thành tích”… đông con!

Chỉ cách trung tâm xã chừng sáu cây số đường đất, nhưng Nậm Cứm lại là bản đặc biệt khó khăn của xã Ngối Cáy. Cả bản tất thảy có 64 hộ. Những cặp vợ chồng sinh 5 đẻ 7 ở bản này không hiếm. Bản thân anh Vàng A Só, từng là cộng tác viên dân số của bản nhưng đến nay vợ chồng anh Só cũng đã... 6 con. Khi được hỏi lý do đẻ nhiều, anh Só không ngần ngại chia sẻ về những suy nghĩ của bản thân cũng như phong tục của bà con nơi đây. Anh Só bảo: “Mình làm tuyên truyền dân số mà mình đẻ nhiều thì cũng không đúng. Nhưng từ trước đến nay bà con mình đều thế. Hơn nữa, mình có 5 đứa con gái, phải cố ít nhất 1 đứa con trai cho… an tâm trong việc nối dõi”!.

Tìm hiểu ngọn ngành “thành tích” đông con ở Nậm Cứm, chúng tôi cũng hiểu được phần nào tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây. Hơn nữa, họ cũng cho rằng sinh nhiều con là có phúc, đông vui, sau này lại có nhiều người lao động, cuộc sống sẽ sung túc, giàu sang. Nhưng thực tế thì không phải vậy! Loanh quanh trong bản, chúng tôi chỉ thấy nhiều căn nhà tuềnh toàng, những đứa trẻ nhem nhuốc, còi cọc.

Năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng nhìn anh Mùa Sống Dia già hơn tuổi nhiều. Anh Dia là một trong những người dân trong bản đứng “tốp” về “khối tài sản” con cháu. Hiện nay, anh Dia có 10 con và làm ông của 12 đứa cháu; cả gia đình đang sống trong ngôi nhà được xây dựng cách đây vài năm từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; tài sản trong nhà chả có gì đáng giá ngoài vài bao thóc. Hay như trường hợp ông Mùa Phá Ly, gần 60 tuổi cũng có tới 10 người con. Khi hỏi về các cháu thì ông Ly cười vui vẻ và bảo: “Tôi cũng không nhớ hết, khoảng trên 30 đứa, vì thằng con trai cả của tôi cũng 10 đứa mà!”.

Là trưởng bản, thế nhưng gia đình anh Mùa A Lầu cũng có tới 5 người con. Con đầu đang học trung học phổ thông ngoài trung tâm huyện. Đứa bé nhất nay 6 tuổi. Anh Lầu chia sẻ: “Cả bản chỉ có vài người là học hết cấp 3, còn lại chỉ học đến lớp 5, lớp 6 rồi ở nhà lập gia đình”. Anh Lầu cũng cho biết, việc tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch cho bà con là rất khó, bởi nói buổi sáng, chiều họ đã quên và gần như không cặp vợ chồng nào ở bản sử dụng các biện pháp tránh thai.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng giật mình với tốc độ phát triển dân số tại bản Nậm Cứm. Chỉ gần 3 năm, từ năm 2017 đến nay, cả bản có thêm 59 trẻ được sinh ra. Như vậy, trong tổng số 394 nhân khẩu ở Nậm Cứm thì có 170 là trẻ em, chiếm hơn 43% dân số của bản.

Năm nay mới 24 tuổi, song anh Mùa A Dâu có “thâm niên” là hộ nghèo, cận nghèo ở bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng). Trong ảnh: Vợ chồng anh Dâu chia sẻ về cuộc sống gia đình.

Trăn trở hướng thoát nghèo

Không chỉ có “thành tích” đông con, Nậm Cứm còn “nổi bật” hơn nhiều bản khác trên địa bàn xã, thậm chí là cả huyện Mường Ảng về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Cả bản hiện có 64 hộ nhưng có tới 55 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Theo trưởng bản Mùa A Lầu thì nguyên nhân dẫn đến đói nghèo nơi đây có nhiều: Nghèo do đông con, nghèo do ít tư liệu sản xuất, nghèo do tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước… những thứ đó đã tạo nên thương hiệu “nghèo bền vững” ở Nậm Cứm. Lý giải cho việc ít tư liệu sản xuất, anh Lầu dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh bản. Vừa đi, anh Lầu vừa tranh thủ “điểm danh” cho chúng tôi 20 ngôi nhà tạm của người dân trong bản. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi xót xa. Bởi nói là nhà tạm, song nhiều nhà thậm chí còn không được như định nghĩa nhà tạm mà anh trưởng bản giới thiệu.

Chỉ ra phía nương của bản, anh Mùa A Lầu bảo với chúng tôi rằng: Đấy, các anh xem, bản chỉ toàn đất dốc, đất lại bạc màu nên việc trồng lúa, trồng cây ở đây gặp nhiều khó khăn. Cả bản có hơn 35ha lúa nương, nếu năm nào được mùa, không dịch bệnh thì còn đủ ăn; mất mùa thì đói, phải chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Không chỉ trồng trọt, việc chăn nuôi ở bản cũng nhiều khó khăn. Cả bản có 64 hộ nhưng chỉ có hơn 70 con trâu, bò. Sự khó khăn đó khiến mỗi năm, bản Nậm Cứm có chừng 20 hộ thiếu đói.

Khi hỏi về hướng xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới, trưởng bản Mùa A Lầu tâm trạng nói: “Bản này chả có cái gì để phát triển kinh tế cả. Đến điện lưới quốc gia cũng không có, tư liệu sản xuất thì không nhiều, giờ cũng không biết làm thế nào nữa”.

Mang những trăn trở của trưởng bản Mùa A Lầu và thực tế buồn ở Nậm Cứm trao đổi với cấp ủy, chính quyền xã Ngối Cáy, chúng tôi cũng nhận được những câu trả lời với nội dung không khác nhiều. Ông Nguyễn Đức Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, chúng tôi cũng đã rất cố gắng để tìm hướng xóa đói giảm nghèo cho người dân bản Nậm Cứm. Thế nhưng đây là một “bài toán” khó. Khó không chỉ vì điều kiện khách quan (địa hình, thời tiết, khí hậu - PV) mà còn khó về điều kiện chủ quan. Tư duy, sự cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của phần lớn người dân nơi đây còn hạn chế. Dẫu vậy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm hướng đi cho bà con. Chúng tôi đã động viên, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích đất nương bạc màu sang trồng cây chít từ năm 2019 với tổng diện tích khoảng 4ha. Đồng thời, thí điểm trồng xoài ở một số diện tích thuận lợi. Ngoài ra, tới đây, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con trong bản nhân giống, đưa vào trồng cây chanh địa phương (chanh trái vụ) để tăng thu nhập.

Với những chia sẻ của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngối Cáy, chúng tôi cũng phần nào cảm thấy bớt lo lắng về tương lai của bản Nậm Cứm; đồng thời mong sao, sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền nơi đây sẽ được đáp đền bằng những con số cụ thể trong thời gian tới!

Quang Long
Bình luận
Back To Top