Vượt khó ở Nậm Ty

10:25 - Thứ Bảy, 10/04/2021 Lượt xem: 12668 In bài viết

ĐBP - Bản Nậm Ty 1, 2, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) nay không còn hộ đói mỗi kỳ giáp hạt, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; bản đã có một đoạn đường được bê tông hóa, nhưng điện thắp sáng chưa có; nước chưa đủ phục vụ sinh hoạt. Từ xa nhìn lại, những mái nhà lợp tấm prôximăng khá vững chắc của các gia đình dân tộc Mông xếp nếp trên triền đất dốc.

Anh Ly A Tòng, bản Nậm Ty 2, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) bên ngôi nhà mới.

Cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ hơn 25km, có 2 đường đến Nậm Ty: Một là từ đỉnh đèo Cò Chạy, quốc lộ 12 rẽ lên; hai là đi lên Ðồn Biên phòng Mường Pồn sau đó theo đường mòn ven núi đến Nậm Ty. Chúng tôi được bộ đội biên phòng Ðồn Biên phòng Mường Pồn cho biết con đường từ đồn đến bản sẽ “êm và dễ đi” hơn đường từ đỉnh đèo Cò Chạy. Từ Ðồn đến Nậm Ty chỉ khoảng 8 - 10km nhưng đầy gian khó. Ðó là đường mòn ven núi người dân tự mở để vận chuyển nông sản, một bên là vực một bên là vách núi, nhiều đoạn dốc xe máy phải về số 1 mới có thể đi được. Sau gần 1 tiếng đồng hồ vật vã với con đường gồ ghề đá cục với đầy rãnh ngang dọc do nước mưa chảy, xói đất tạo thành, chúng tôi cũng đến được Nậm Ty. 

Nậm Ty được chia thành 2 bản gồm: Nậm Ty 1, Nậm Ty 2, có 170 hộ với 1.000 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Trước đây Nậm Ty là bản “3 không”: Không sóng điện thoại, không điện lưới, mùa khô không có nước. Năm 2019, bản đã có sóng điện thoại nhưng chập chờn. Ðến nay, vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Hộ nào có điều kiện thì mua tấm pin mặt trời để sử dụng điện mặt trời. Chúng tôi gặp anh Ly A Dợ, người dân bản Nậm Ty 2, anh Dợ “kiến nghị” ngay: Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư đường giao thông, điện lưới về bản để cuộc sống bớt khó khăn hơn!

Tuy còn nhiều điều kiện bất lợi, song ở Nậm Ty đã và đang xuất hiện những tấm gương không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vượt khó. Ðiển hình như ông Ly Giống Lầu, là người nuôi nhiều trâu, bò nhất bản, với hơn 100 con. Bắt đầu chăn nuôi từ năm 2004, gia đình ông Lầu là một trong những hộ tiên phong chăn nuôi trâu, bò ở bản. Ngoài chăn nuôi, ông Lầu còn khai hoang ruộng nước. Khi kinh tế ổn định, ông Lầu mở cửa hàng tạp hóa và mua máy xay xát về làm dịch vụ, tăng thu nhập. Bây giờ gia đình ông Lầu là một trong số ít những hộ có “của ăn của để” ở Nậm Ty.

Noi gương bố, anh Ly A Tòng - con trai ông Lầu cũng theo bố chăn nuôi trâu, bò. Hôm chúng tôi đến bản thì Ly A Tòng đang hoàn thiện ngôi nhà mới. Anh Tòng cho biết: “Ngôi nhà mới tôi dự trù chi phí hết khoảng 200 triệu đồng, tất cả tiền làm nhà đều từ bán trâu, bò đấy! Ðến nay tổng đàn trâu bò của nhà tôi hơn 120 con, tất cả đều thả nuôi trên bãi chăn thả trên nương. Ðể có tiền làm nhà mới, tôi và bố tôi đã bán 8 con trâu, bò”.

Hiện nay, người dân Nậm Ty đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, chịu khó làm ăn. Toàn bản có 80% số hộ chăn nuôi gia súc gia cầm, hộ nuôi ít thì vài con, hộ nuôi nhiều thì cả trăm con. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã đầu tư khai hoang ruộng nước. Hai bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2 có diện tích khai hoang ruộng nước chỉ đứng sau 2 bản gần trung tâm xã Hua Thanh là Pa Sáng và Xá Nhù.

Ông Ly A Dua, Trưởng bản Nậm Ty 2 cho biết: Năm 2020, hai bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2 đã khai hoang được 88ha ruộng (bản Nậm Ty 1 là 62ha, Nậm Ty 2 là 26ha) và đều được chi trả kinh phí hỗ trợ khai hoang theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên phần lớn diện tích chỉ canh tác được một vụ do nguồn nước hạn chế”.

Khó khăn, thiếu thốn nhưng không thiếu hướng thoát nghèo. Người dân Nậm Ty đang nỗ lực vượt khó, kết hợp các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước sẽ tạo động lực giảm nghèo bền vững.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top