Mường Ảng chủ động phòng, chống bệnh viêm phổi ở trẻ em

08:52 - Thứ Hai, 22/08/2016 Lượt xem: 4512 In bài viết
ĐBP - Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng vào những ngày cuối tháng 7, rất nhiều trẻ em dưới 5 tuổi đang điều trị tại Khoa Nhi; chia sẻ với chúng tôi, chị Quàng Thị Tưởng, bản Co Pháy, xã Mường Đăng (có con là Lường Văn Việt đang nằm viện điều trị do viêm phổi), cho biết: Những ngày trước khi nhập viện, cháu Việt sốt, ho, thở khò khè... nên gia đình đã đưa đến Trung tâm Y tế để khám và bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm phổi. Sau khi được điều trị, đến nay bệnh tình của cháu đã giảm nhiều, không còn sốt và khó thở nữa.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng khám cho bệnh nhi mắc bệnh viêm phổi.

Bác sỹ Phí Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, cho biết: Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ, đặc biệt đối với trẻ có hệ miễn dịch yếu; nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong... 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho 215 bệnh nhân bị viêm phổi, chủ yếu là trẻ em (trong 5 ca tử vong, có 4 ca tử vong tại nhà). Thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi, viêm đường hô hấp… ở người già và trẻ em. Viêm phổi là bệnh lý viêm nhiễm của nhu mô phổi thường do vi rút, vi khuẩn gây ra, thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác; viêm phổi do vi rút có thể gây thành dịch, ở trẻ càng nhỏ, diễn biến bệnh càng nhanh và nặng. Trẻ em bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh về tim mạch, phổi, sinh non, sinh thiếu cân... đặc biệt là trẻ em vùng cao, do cha mẹ chưa biết cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, thường cho con lên nương vào mùa nắng nóng... nên rất dễ mắc bệnh. Ở trẻ em bệnh viêm phổi thường có các triệu chứng, như: Sốt cao 39 - 40oC, nhức đầu, ho khan, thở nhanh, đau ngực, mệt mỏi, nghe phổi có tiếng ran...

Để phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cũng như tránh các di chứng nguy hại cho trẻ, theo bác sỹ Phí Thị Hoa: Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ban đầu, như: Sốt cao, hạ thân nhiệt, chảy nước mũi, khó thở... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, không nên tự dùng thuốc cho trẻ. Khi trẻ viêm phổi nặng, nên nằm điều trị nội trú tại bệnh viện để theo dõi diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Hạ nhiệt bằng cách chườm mát, làm thông thoáng đường thở bằng cách hút đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo... Cho thở oxy khi trẻ có biểu hiện suy hô hấp. Trong trường hợp trẻ tím tái nặng, ngừng thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ... Khi trẻ sốt cao kéo dài, có biểu hiện mất nước, cần truyền dịch.

Các bậc cha mẹ cần dọn dẹp nhà ở sạch sẽ, tạo sự thông thoáng, giảm mật độ người trong gia đình, không nên cho trẻ hít phải khói thuốc lá, bụi bặm, rượu, bia và những chất kích thích. Khi trẻ bị viêm phổi, bên cạnh điều trị bằng thuốc men cần phải cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh, thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng; điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh biến chứng viêm phổi... ăn nhiều thức ăn lỏng và uống nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng và giảm ho…

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tìm hiểu thông tin về bệnh viêm phổi và cách phòng tránh qua sách báo, tài liệu... Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm phổi cần đưa ngay đến cơ sở y tế để bác sỹ thăm, khám và có hướng điều trị thích hợp, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top