Chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản

08:18 - Thứ Hai, 13/04/2020 Lượt xem: 8550 In bài viết

ĐBP - Hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát triển, trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong cao, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu nên người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc phòng, ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Cán bộ y tế xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) tiêm vắc xin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Arbovirus có tên là virus viêm não Nhật Bản gây ra. Nguyên nhân gây bệnh thường là do các loại virus đường ruột, sởi, quai bị... gây nên. Bệnh lây truyền sang người do muỗi đốt. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có một số biểu hiện như: Ðau đầu, buồn nôn, rối loạn nghe nói, ảo giác, co giật, mất trí nhớ… Do tỷ lệ tử vong cao (khoảng 30% người mắc), đặc biệt hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, nên để ngăn ngừa bệnh này, thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, trong đó vừa kết hợp tuyên truyền, vừa tổ chức có hiệu quả hoạt động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ làm tốt công tác này, mấy năm trở lại đây số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn tỉnh đã giảm. Năm 2019, toàn tỉnh có 15 ca mắc. Ðặc biệt, từ năm 2017 trở lại đây, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào tử vong do viêm não Nhật Bản. Từ năm 2019 đến nay, huyện Mường Ảng không có trường hợp nào mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Ðể có được kết quả đó, các cơ quan y tế từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Quàng Văn Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngối Cáy chia sẻ: Những năm qua, chúng tôi luôn bám sát các chỉ tiêu để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Hàng năm, trên 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ theo quy định, không để xảy ra tai biến. Với phương châm “Dự phòng tích cực, chủ động”, chúng tôi thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức cho người dân về tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu; tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tích cực phòng, chống dịch theo mùa... Với tinh thần đó, đến nay, cơ bản nhận thức của người dân trên địa bàn xã trong việc tự chăm sóc sức khỏe được nâng lên đáng kể.

Cũng như Mường Ảng, từ năm 2019 đến nay, thị xã Mường Lay là 1 trong 2 địa phương trong toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Tại Mường Lay công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh được cấp ủy, chính quyền, ngành Y tế huyện quan tâm. Hàng năm, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt cao.

“Mặc dù đang trong giai đoạn cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh Covid-19, song chúng tôi cũng không chủ quan, lơ là với tất cả các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác, trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản. Hàng tuần, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ giám sát các ca bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, để ngăn ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cũng phải chung tay, nâng cao ý thức, nhận thức trong cách phòng bệnh bằng cách thực hiện tốt vệ sinh môi trường; không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để phòng muỗi đốt. Ðặc biệt, để đạt được hiệu quả phòng bệnh, phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B đủ 3 liều” bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top